Thực hành ESG: Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng
Doanh nghiệp Việt Nam đang “chật vật” trong thực hành ESG, trong đó bên cạnh việc thiếu những quy định thông suốt về ESG thì nhận thức của doanh nghiệp cũng đang là một rào cản lớn. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.
Ông nhận định như thế nào về mức độ thực hành ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
ESG được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong mấy năm gần đây, giai đoạn này là phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về ESG, do đó con số các doanh nghiệp thực hiện ESG đạt chuẩn cao ASEAN hiện ở Việt Nam còn khá thấp. Báo cáo mới đây cho thấy, năm 2019 không có doanh nghiệp nào; năm 2020 có 1 doanh nghiệp đạt từ 97/130 điểm, điều đó cho thấy theo chuẩn mực cao về ứng dụng ESG ở Việt Nam là khá thấp.
Ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương |
Tuy nhiên, điều đó cũng không chứng tỏ rằng doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm đến những trách nhiệm về môi trường, xã hội và quản trị. Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã có những hoạt động lớn về cộng đồng, chi phí nhiều cho hoạt động cộng đồng và các hoạt động môi trường, bảo tồn môi trường, nhưng chưa đưa những chi phí này vào những chuẩn mực cụ thể, theo chuẩn mực ESG.
Theo ông, đâu là những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt khi thực hành ESG?
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, họ đang chật vật giữa vấn đề cân đối dòng tiền, đảm bảo lợi nhuận, do đó những cách suy nghĩ về lợi nhuận theo kiểu cũ vẫn đang ảnh hưởng lớn đến nhận thức của doanh nghiệp về ứng dụng ESG, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng ứng dụng ESG là thuộc về các doanh nghiệp lớn, nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu ngay từ đầu, doanh nghiệp đặt mục tiêu về ứng dụng ESG, hướng tới các chuẩn mực ESG thì đó là con đường phát triển bền vững, dài hạn cho doanh nghiệp. Nên tôi nghĩ, rào cản lớn nhất với doanh nghiệp trong ứng dụng ESG đó là về vấn đề nhận thức. Họ chưa hiểu rõ ESG là gì, tại sao ESG lại quan trọng, lại hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài được. Do đó, vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về ESG.
Một thách thức nữa đối với doanh nghiệp đó là, ESG có cách hiểu cũng không phải là thống nhất trên toàn cầu, ở mỗi nước, khu vực có cách đánh giá riêng. Để khắc phục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hành ESG, tại Việt Nam, cơ quan nhà nước cần vào cuộc để làm sao chuẩn hoá được ESG theo cách hiểu của Việt Nam mà vẫn tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có những chuẩn mực về môi trường, xã hội và quản trị một cách rõ ràng. Ví dụ như ở Trung Quốc, quốc gia này cũng có những cơ quan quy định về ESG và có những cách hiểu rất thông suốt, giúp doanh nghiệp có những định hướng rõ ràng để thực hành ESG.
Tất nhiên, ở đây tôi không cổ vũ chuyện chúng ta có quy định khác hẳn thế giới, vì không thể “một mình một chợ”, mà cần có sự cần phù hợp với văn hoá của đất nước, những chiết lý sống cho nó phù hợp với quốc gia, nhưng không trái với tinh thần chung của ESG toàn cầu.
Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ESG (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh thiếu tiêu chuẩn thông suốt và nhận thức, nhiều ý kiến cho rằng, tài chính cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thực hành ESG tại doanh nghiệp. Ông nhận định vấn đề này ra sao?
Doanh nghiệp từ khi khởi nghiệp luôn quan tâm đến vấn đề nguồn vốn, cân đối dòng tiền, họ luôn tìm cách để cắt giảm chi phí tốt nhất, nhưng như vậy thì con đường lớn lên của doanh nghiệp là rất khó.
Trong khi đó, có những chi phí về ESG không phải đầu tư quá lớn, để chuẩn hoá được quản trị, được cộng đồng ủng hộ thì doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, khách hàng, đó là lợi ích lâu dài. Do đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về ESG, thay đổi tư duy cho những chi phí thực hành ESG, bởi đây không phải là những chi phí xa xỉ, không cần thiết mà rất cần thiết cho hoạt động và những bước đi dài hơi của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!