Thúc đẩy sự phát triển ngành tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam
Chương trình được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
“Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” được phát động với mục tiêu thúc đẩy giải pháp từ các đối tượng cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa.
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tuấn |
Lễ phát động có sự tham gia của ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường; bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam; ông Christopher Jeffery - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc BritCham; ông Marcus Winsley - Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, cùng đại diện các bên liên quan.
Cũng nằm trong khuôn khổ lễ phát động, tọa đàm với chủ đề Mở khóa Kinh tế tuần hoàn nhựa qua đổi mới sáng tạo: Thách thức & cơ hội cũng được diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập đoàn Unilever Việt Nam, Central Retail Vietnam, Tái Chế Duy Tân và VietCycle.
Theo ban tổ chức, mục tiêu chương trình nhằm tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả của chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, tập trung vào giai đoạn thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là bao bì nhựa mềm.
Với đối tượng tham gia là các cá nhân và tổ chức có sản phẩm hoặc dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực thu gom và tái chế chất thải nhựa, chương trình đồng thời khuyến khích lan tỏa và đầu tư cho các sáng kiến và giải pháp mới về thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa và khối lượng rác thải nhựa, bao bì nhựa gia tăng nhanh chóng cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tiêu dùng của người dân. Sáng kiến tổ chức Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” là hành động thiết thực và ý nghĩa để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mềm, giá trị thấp tại Việt Nam.
“Nhân dịp sự kiện này, tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sở hữu các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, giá trị thấp tích cực tham gia Chương trình này. Đồng thời các tổ chức tài chính đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa từ Chương trình này được triển khai, nhân rộng tại Việt Nam”, ông Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Thanh Tuấn |
Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2-2,9 tỷ USD/năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25-30% so với sản phẩm nhựa thông thường.
Trong bối cảnh đó, các giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các đại biểu nhấn nút phát động cuộc thi tìm kiếm sáng kiến công nghệ tái chế rác thải nhựa tại chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”. Ảnh: Thanh Tuấn |
Thấu hiểu thực trạng này, chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhanh chóng được phát động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, đặc biệt là các giải pháp mới, sáng tạo trong việc nâng cao năng lực thu gom, xử lý và tái chế bao bì nhựa.
“Mục tiêu xa hơn của chương trình là đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa; hỗ trợ thực hiện quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) có hiệu lực từ 1/1/2024 trong khuôn khổ hợp tác công tư”, ban tổ chức nhấn mạnh.