Thừa Thiên Huế: Mưa lũ gây ngập hơn 19.000 ngôi nhà, hồ chứa thuỷ điện vận hành an toàn
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong ngày 14/10 trên địa bàn đã có mưa to, đến rất to diện rộng cả đồng bằng và miền núi, lượng mưa đo được từ 0h ngày 14/10 đến 09h ngày 15/10 trung bình từ 500-600 mm, có nơi cao hơn như Khe Tre 802mm, Thủy Yên 752mm; Lộc Tiến 641mm, An Tây (TP Huế) 664 mm, Hương Sơn 673mm, Phú Bài 624mm; nước dâng, triều cường 1,7m làm chậm khả năng thoát lũ; Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Nước lũ cô lập, gây ngập úng hàng trăm nhà ở trung tâm thành phố Huế |
Sáng ngày 15/10, mực nước các trạm trên sông Hương tại Kim Long: +4,0m trên báo động III là 0,5m; mực nước sông Bồ tại Phú Ốc lúc: +4,92m, trên báo động III là 0,42m.
Nhằm điều tiết, hạn chế gây ngập lụt hạ du, nhiều hồ chứa thuỷ điệntiến hành tăng lượng xả tràn, tuy nhiên lượng nước đi nhỏ hơn lượng nước đến.
Cụ thể, hồ thủy điện Hương Điền ở cao trình +57,53m, lưu lượng đến hồ 5.293m3/s, lưu lượng xả về hạ du 4.180m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất 8.198m3/s lúc 7h ngày 15/10); Hồ Tả Trạch: +43,88m, lưu lượng đến hồ 2.558m3/s, lưu lượng về hạ du 2.381m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất 7.205m3/s lúc 2h ngày 15/10); Hồ thủy điện Bình Điền là 83,43m, lưu lượng đến hồ 2.558m3/s, lưu lượng về hạ du 1.291m3/s (lưu lượng đến hồ lớn nhất 6.582m3/s lúc 5h ngày 15/10).
Ông Phan Thanh Hùng – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết, trước đợt lũ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các lệnh vận hành chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường xả nước để đưa nước về mực nước thấp đón lũ và góp phần giảm lũ cho vùng hạ du; Trong cơn mưa lũ, chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ để cắt, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du. Hiện nay các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.
Mặc dù lượng nước đổ về các hồ rất lớn, nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện tại Thừa Thiên Huế vận hành an toàn |
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên, mưa lũ không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên có khoảng 19.918 ngôi nhà bị ngập từ 0,3-0,5m; 3 nhà ở huyện Phú Lộc bị sạt lở đất lùa vào nhà phải sơ tán; hơn 3.000 chậu hoa cúc phục vụ tết ở xã Phú Hồ bị ngập ứng, 5,3 ha hoa màu xã Phú Hải bị ngập.
Giao thông bị ách tắc, cụ thể đoàn tàu SE7 đi từ Hà Nội vào dừng tại ga Huế do ảnh hưởng bởi mưa lũ; có 183 hành khách đang ở trên tàu hiện vẫn đảm bảo an toàn. Tuyến đường sắt đoạn qua thị trấn Lăng Cô bị đất đá vùi lấp và cuốn trôi tà vẹt khoảng 30m, đã thông báo cung đường biết để dừng tàu
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân sạt lở một số đoạn tại Km 901+500 với chiều dài khoảng 60 mét, đất đá trôi xuống đường, phương tiện giao thông không qua lại được; phía Nam hầm Hải bị sạt.
Lực lượng Công an hỗ trợ, di dời những hộ dân khu vực xung yếu, ngập lụt cao đến nơi an toàn |
Tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, Phú Vang… nhiều tuyến tỉnh lộ nước ngập sâu từ 0,3-0,5m, có đoạn trên 1m, giao thông chia cắt. Tại huyện A Lưới, đường Hồ Chí Minh bị ngập 02 đoạn tại xã A Ngo, trên đèo Pa Ke, A Roàng bị sạt 02 chỗ; một số đoạn đường ở các địa phương huyện Nam Đông bị ngập cục bộ từ 0,2-0,3m (Thị trấn Khe Tre, Hương Xuân, Thượng Long, Hương Phú).
Nhằm ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp, ngay trong đêm 14 và sáng 15/1, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo các Sở, ban ngành thường xuyên có mặt tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo vận hành hồ chứa nước, chỉ đạo các địa phương ứng phó mưa lũ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác dọn dẹp sau khi nước lũ rút, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh..
Mưa lũ làm sạt lở khối lượng đất đá lớn tại tuyến Quốc lộ 49B tuyến Huế - A Lưới, gây ách tắc giao thông |
Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 15 đến hết ngày 16/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế có mưa rất to.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Do đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các Sở, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống mưa lũ.
Bên cạnh đó, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế nhắn tin cho lãnh đạo các đơn vị, các huyện, thị xã và thành phố Huế để triển khai phương án ứng phó; Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng như Hue-S, Facebook, và Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế.