Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc.
CôngThương - Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhân Ngày Liên Hợp Quốc. Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước, nhất là sự ủng hộ, hợp tác tích cực trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, là thành viên của Liên Hợp Quốc trong 37 năm qua, Việt Nam đặc biệt coi trọng cũng như mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng, hiệu quả hơn nữa với Liên Hợp Quốc trên các lĩnh vực.
Thay mặt đại diện các cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc cảm ơn sự hợp tác có hiệu quả của Việt Nam trong suốt 37 năm qua, đặc biệt là năm 2014 với những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc trên các lĩnh vực hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Bà Pratibha Mehta đánh giá cao những thành tựu mọi mặt mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội. Bà cho rằng, dù còn nhiều việc phải làm song những định hướng cải cách trên một số lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đặt ra và thực hiện là đúng hướng, nhất là giảm nghèo bền vững, hoàn thiện thể chế, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, bảo đảm bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao đời sống nhân dân.
Cho rằng với thành tựu của mình trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ được quốc tế ghi nhận, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh Việt Nam có tiếng nói rất quan trọng trong việc hình thành chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc trên toàn cầu với 17 mục tiêu lớn.
Liên Hợp Quốc mong muốn các mục tiêu này sẽ được Việt Nam lồng ghép trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình. Đây cũng là cơ sở để năm 2015 Liên Hợp Quốc và Việt Nam sẽ xây dựng Chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021. Theo đó, Liên Hợp Quốc mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu của mình.
Hoan nghênh những ý kiến của bà Pratibha Mehta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, những năm qua, bên cạnh thuận lợi, Việt Nam cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tập trung cho phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là phát triển kinh tế; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ làm hết sức mình giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và an ninh để phát triển, không chỉ cho Việt Nam mà cả trong khu vực.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự ủng hộ đối với 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng. Thủ tướng cho rằng các mục tiêu này cơ bản phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục ủng hộ nỗ lực phát triển bền vững cũng như bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng trong chặng đường tiếp theo, Việt Nam và Liên Hợp Quốc tiếp tục gặt hái được những thành quả hợp tác mới, nhất là hợp tác về hòa bình và phát triển.