Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch
Làm tốt công tác phòng dịch, không lo thiếu khẩu trang
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các kết luận tại cuộc họp trước đã được triển khai nghiêm túc; biểu dương các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng như nhiều đô thị tập trung khác đã tiến hành đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, dừng các hoạt động đông người hết sức quyết liệt, kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 |
Thủ tướng cho biết, Bộ Tư pháp đã soạn thảo một số chủ trương, biện pháp trong thời kỳ “tiền khẩn cấp” và đề nghị thảo luận về các biện pháp này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định đã trao đổi với các ngành, đặc biệt là khối sản xuất, Tài chính, Ngân hàng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư… để sắp tới sẽ có Hội nghị của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, các Bộ trưởng, các ngành liên quan để giải quyết 4 việc: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trên tinh thần Chỉ thị 11 cùng một số biện pháp mới khác; tập trung giải ngân vốn đầu tư công với số vốn trên 650.000 tỷ đồng; quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, một số biện pháp bảo đảm cuộc sống cho người lao động; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Liên quan đến việc cung ứng khẩu trang phòng chống dịch, phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, nước ta có 100 triệu dân, con số để bão hòa tâm lý khẩu trang vải kháng khuẩn cho cộng đồng là 200 triệu khẩu trang. Theo tính toán nếu mỗi người từ trẻ em đến người già, trung bình dùng 4 khẩu trang/người, (khẩu trang vải kháng khuẩn có thể giặt và dùng lại) như vậy, số lượng khẩu trang cung cấp là thừa, hoàn toàn không còn tình trạng thiếu khẩu trang.
Thứ trưởng nêu cụ thể, riêng khẩu trang vải kháng khuẩn, Bộ Công Thương được Thủ tướng giao cung ứng khẩu khẩu trang chống dịch, hiện nay tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Khẩu trang vải đã kiểm nghiệm đầy đủ đạt tiêu chuẩn chất lượng. “Như vậy, chúng ta tuyệt đối không lo thiếu khẩu trang, tại thời điểm này Hiệp hội dệt may và các doanh nghiệp đã tung ra thị trường rất nhiều khẩu trang”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin.
Báo cáo kỹ hơn với Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết: Hiện nay, khẩu trang vải Bộ Công Thương đã có dự trữ, đồng thời có tới 3.000 điểm bán trên toàn quốc. Riêng Saigon Co.op, Vinmart, Big C đã phân phối khẩu trang vải với số lượng lớn. Đơn cử như Saigon Co.op có 20 triệu chiếc khẩu trang, đó là cam kết của Tổng giám đốc Saigon Co.op với Bộ Công Thương; Big C có 2 triệu khẩu trang. Đối với 60 tỉnh, thành phố hiện cũng có đầy đủ khẩu trang vải cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố.
Lo ngại về nguồn cung khẩu trang y tế, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, không có chuyện thiếu khẩu trang y tế, với đơn hàng 60 triệu khẩu trang thì Bộ Y tế đã lo và Bộ Công Thương ủng hộ, đề nghị quyết nhanh để mua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 |
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, riêng với nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, hoàn toàn dùng nguyên liệu trong nước mà không lệ thuộc vào xuất khẩu. Cụ thể công ty Nam Đan (Long An) có thể sản xuất cung ứng một ngày khoảng 300 tấn vải không dệt 3 lớp Spunbond + Meltblown + Spunbond Nonwovens (SMS) nhằm đảm bảo cung ứng khẩu trang chất lượng đạt chuẩn Bộ y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, đồng thời lượng lớn với không dệt 3 lớp đủ để sản xuất 300 triệu khẩu trang y tế.
Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ những nhu yếu phẩm, y tế
Cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay.
Theo dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống
Đối với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, “như thế mới bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”.
Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác. Người dân được yêu cầu ở lại nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài. Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0h ngày 28/3/2020 trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau.
Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để làm sao không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc. Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ, nhân viên y tế làm tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Chính quyền địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành y tế có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc.
Các cấp, các ngành tiếp tục thay đổi thói quen làm việc để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tất cả các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đối với TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng thêm các cơ sở xét nghiệm, nâng công suất, bảo đảm sàng lọc được toàn bộ trường hợp nghi nhiễm.
Thủ tướng giao nhiệm vụ, ngành Y tế và ngành Công Thương hợp tác, có hợp đồng cụ thể để sản xuất khẩu trang y tế cũng như các khẩu trang đạt tiêu chuẩn khác để phục vụ trong nước một cách đầy đủ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với vật tư y tế mà các nước đang có nhu cầu. “Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ những nhu yếu phẩm cũng như vật tư y tế, xử lý nghiêm nạn đầu cơ nếu có và buôn lậu các vật tư y tế. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cấp, các ngành và các địa phương liên quan bảo đảm an sinh xã hội, an toàn xã hội ở mọi nơi, mọi lúc, trong đó có việc Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế bàn xây dựng một số bệnh viện dã chiến khi thấy cần thiết. “Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm”, Thủ tướng yêu cầu