CôngThương - Sáng 12/11, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp rất quan trọng của Liên Hợp Quốc (LHQ) và cá nhân ngài Tổng Thư ký trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
Thủ tướng khẳng định, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tham gia làm thành viên có trách nhiệm của nhiều cơ quan quan trọng của LHQ, đồng thời tích cực đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược, chương trình hành động của LHQ.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ sau 2015 và lồng ghép các mục tiêu này vào các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, đồng thời tham gia tích cực vào quá trình thương lượng trong khuôn khổ công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ để đạt được thỏa thuận pháp lý toàn cầu mới vào năm 2015.
Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được tư vấn chính sách và tài trợ thiết thực của LHQ trong các lĩnh vực, nhất là giảm nghèo bền vững, phòng chống HIV/AIDS và biến đổi khí hậu; ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên ECOSOC 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực; cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ sáng kiến Một Liên Hợp Quốc; đánh giá cao việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Tổng Thư ký LHQ chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và đã có những đóng góp tích vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ sau năm 2015; bày tỏ mong muốn sớm sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa LHQ và Việt Nam.
Về tình hình Biển Đông, Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định quan điểm của LHQ là các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng; hy vọng các hội nghị ở khu vực sẽ là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở cách tiếp cận hướng tới tương lai và LHQ sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này.