Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội đang bị hoang tàn, đổ nát. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3/2023.
Hiện trạng hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam |
Ngay thông tin chỉ đạo của Chính phủ, nghiều nghệ sĩ mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam. Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân, Nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ, đây là tín hiệu vui với các nghệ sĩ. Thực trạng ở Hãng phim truyện Việt Nam đã kéo dài rất nhiều năm, giờ đã có sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng, hy vọng mọi việc sẽ không còn dang dở, sẽ có những giải pháp cụ thể, Hãng phim sẽ có được một mô hình mới, đời sống mới.
Hình ảnh trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam, cái nôi của điện ảnh Cách mạng trong tình trạng hoang tàn, đổ nát khiến các nghệ sĩ, người yêu điện ảnh đau lòng, xót xa. Tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang khóc khi phát biểu: "Cách đây vài ngày, tôi từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội và đã đến Hãng phim. Nơi đây từng có 600 anh chị em nghệ sĩ cùng công nhân, cán bộ mỗi năm đã làm chục bộ phim nhưng giờ hoang tàn, đổ nát tới không thể tưởng tượng nổi”.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về việc cổ phần hóa nhiều thiếu sót, vi phạm ở Hãng phim truyện Việt Nam đã khiến hãng này đang “chết lâm sàng”. Tọa lạc trên khu đất vàng số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, với diện tích sử dụng gần 5.500 m2, trụ sở của hãng giờ chỉ để trông xe.
Hơn 60 năm nay hãng không có quyền sử dụng mảnh đất này mà chỉ là đất đi thuê. Đồng thời, sau 6 năm cổ phần hoá, chủ nhân mới của Hãng phim không có bất kỳ hoạt động nào trên mảnh đất đã từng làm ra những bộ phim điện ảnh kinh điển. Cơ sở vật chất của Hãng nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng.
Từ phía quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ này đã báo cáo những vấn đề cụ thể, xin ý kiến và đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty Vận tải Thủy) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan Hãng phim truyện Việt Nam.
Tháng 8/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.
Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên "Chung một dòng sông" sản xuất năm 1959. Địa chỉ số 4 Thụy Khuê đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh... Bộ phim cuối cùng Hãng sản xuất là "Cuộc đời của Yến" (2015), kể từ thời điểm cổ phần hóa, Hãng phim không sản xuất thêm được bộ phim nào.