Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
CôngThương - *Từ tháng 11/2010, Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP). Thứ trưởng có thể khái quát kết quả đạt được đến thời điểm này sau 12 phiên đàm phán chính thức?
Kể từ khi tham gia đàm phán hiệp định TPP (bao gồm cả 3 phiên đầu tiên tham gia với tư cách thành viên liên kết), Việt Nam đã cùng với 8 nước TPP tiến hành 12 phiên đàm phán chính thức. Phiên đàm phán lần thứ 12 vừa được tổ chức tại thành phố Đa-lát, Hoa Kỳ từ ngày 8 đến ngày 18 tháng 5 năm 2012.
Qua 12 phiên đàm phán chính thức, các nước TPP đã thu hẹp đáng kể sự khác biệt quan điểm trong đàm phán lời văn của hơn 20 lĩnh vực đàm phán. Đặc biệt, tại phiên đàm phán lần thứ 12 vừa qua, các nước đã kết thúc đàm phán lời văn của chương doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tạo cơ sở cho việc đạt được tiến bộ trong các phiên đàm phán tiếp theo.
Bên cạnh đàm phán lời văn, các nước đã tích cực thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và cho đến nay đã tiến hành trao đổi các bản chào sửa đổi trong nhiều lĩnh vực có yếu tố mở cửa thị trường như bản chào sửa đổi trong đàm phán thuế, bản chào sửa đổi về các biện pháp không tương thích trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, bản chào sửa đổi về mua sắm công, bản chào sửa đổi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính…. Mục tiêu của các nước hiện nay là tập trung rà soát các bản chào sửa đổi để tìm giải pháp thúc đẩy mức độ tự do hóa, phù hợp với mục tiêu đặt ra cho Hiệp định TPP.
* Đây là đàm phán thương mại tự do quan trọng với phạm vi đàm phán rộng, mức độ cam kết sâu và tác động rất lớn đến chiến lược phát triển chung của từng lĩnh vực, DN cũng như đời sống xã hội...; nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Xin Thứ trưởng cho biết những tác động chủ yếu đối với DN qua những cam kết đạt được từ TPP?
Hiệp định TPP được kỳ vọng trở thành hạt nhân thúc đẩy sự hình thành một khu vực thương mại tự do cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới. Do vậy, hiệp định này sẽ đem đến những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Cơ hội rõ ràng nhất là việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ-thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới-ở mức thuế bằng 0%. Đây sẽ là cú hích mạnh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tạo ra lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ đến từ các quốc gia chưa có hiệp định FTA với Hoa Kỳ.
Ngoài lợi ích về xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn do Việt Nam thực thi các cam kết mới theo Hiệp định TPP.
Thêm vào đó, các cam kết ở trình độ cao trong TPP sẽ giúp Việt Nam phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả. Hiệp định TPP cũng sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh các tác động tích cực, việc thực hiện các cam kết rộng và sâu trong TPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, chủ yếu là do sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn ta cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả.
* TPP có thể sớm đi đến thỏa thuận cuối cùng và hứa hẹn nhiều cơ hội mới. Vậy DN cần chuẩn bị gì để đón bắt, tận dụng tốt lợi ích từ hiệp định này mang lại, thưa Thứ trưởng?
Để tận dụng tốt các cơ hội mà hiệp định TPP mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược tiếp cận thị trường của các nước TPP, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ một khi hiệp định TPP có hiệu lực. Điều này giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ngay lợi thế về cắt giảm thuế quan từ hiệp định mang lại, chuyển hóa thành lợi ích kinh tế cụ thể.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài có tiềm lực để đáp ứng được yêu cầu hội nhập ngày càng lớn và các tiêu chuẩn cần thiết để được tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong tương lai.
Cuối cùng, các doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với đoàn đàm phán hiệp định TPP của Việt Nam để vừa cung cấp thông tin phục vụ đàm phán vừa nắm bắt được tình hình đàm phán cơ bản giúp cho việc định hướng hoặc xây dựng kế hoạch và chiến lược kinh doanh rõ ràng hơn.