Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cùng đoàn công tác tham quan Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim |
Từng bước nâng cao khả năng tự chủ
Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Mỏ - Luyện kim trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập từ năm 1967. Chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động chủ yếu của viện gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về KH&CN mỏ - luyện kim và môi trường công nghiệp; nghiên cứu xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển; khai thác mỏ, chế biến, sản xuất, kinh doanh khoáng sản và hợp kim theo quy định của pháp luật; thực hiện các dịch vụ KH&CN như tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, lập dự án đầu tư, thiết kế, xây dựng, chế tạo, lắp đặt, thẩm tra, thẩm định, đánh giá tác động môi trường thuộc lĩnh vực khai thác, sản xuất và chế biến về tuyển khoáng sản và luyện kim…
Tại buổi làm việc, ông Đào Duy Anh, Viện trưởng Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim cho biết, từ năm 2010 đến nay, viện đã và đang thực hiện 8 nhiệm vụ cấp nhà nước với tổng kinh phí cấp cho các nhiệm vụ là 35.134 triệu đồng. Tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện đồng Sin Quyền”, “Nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến quặng liti vùng La Vi, tỉnh Quảng Ngãi”, “Nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biên sâu quặng graphit mỏ Bảo Hà, tỉnh Lào Cai” hay dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% Sn bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn”…
Toàn cảnh buổi làm việc |
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2012 – 2017, viện cũng đã được Bộ giao thực hiện 53 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí ngân sách nhà nước là 34.869 triệu đồng. Một số nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và được đơn vị ứng dụng đánh giá cao, hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ cũng được đăng trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và trong nước. Đồng thời, viện đã tăng cường đầu tư trang thiết bị KH&CN và xây dựng sửa chữa nhỏ giúp viện đảm bảo duy trì hoạt động nghiên cứu. Ngoài ra, viện cũng tích cực hợp tác với các đơn vị quốc tế có công nghệ, trình độ tiên tiến để cùng phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2007, Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim đã thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, trong suốt những năm qua, viện luôn chủ động tăng cường hoạt động dịch vụ KH&CN và sản xuất kinh doanh để tạo nguồn thu, từng bước nâng cao khả năng tự chủ. Năm 2017, tổng doanh số toàn viện thực hiện hợp đồng dịch vụ và sản xuất kinh doanh là 259.335 triệu đồng, thu nộp ngân sách toàn viện là 19.846 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người toàn viện là 10,19 triệu đồng/người/tháng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá về những kết quả hoạt động của viện, ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương nhận định, qua những hoạt động của Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim trong những năm qua, có thể khẳng định đây là một trong những viện xếp ở “top trên” trong các viện nghiên cứu của Bộ Công Thương từ kết quả thực hiện hoạt động nghiên cứu, dịch vụ, kinh doanh, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất… Đây cũng là đơn vị có mức độ tự chủ về mặt công việc và doanh thu rất cao. Theo thống kê, giai đoạn 2012 – 2017, tổng doanh số thực hiện hoạt động dịch vụ KH&CN và sản xuất kinh doanh của viện là hơn 2.309,9 tỷ đồng.
Phát huy vai trò, vị thế của viện
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, với những kết quả đã đạt được thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ cũng như cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ viện trong những năm qua. Viện đã kết hợp rất tốt mô hình nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dịch vụ KH&CN… Tất cả các dự án, đề tài KH&CN lớn của viện đều đã chuyển giao cho các doanh nghiệp tiếp nhận.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, trong thời gian tới, dựa trên xu thế phát triển của ngành mỏ - luyện kim và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, viện cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, trong đó xác định những lĩnh vực cần tập trung và đưa ra lộ trình thực hiện theo từng mốc thời gian, gắn với những mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, từ nay đến năm 2020 hoặc đến 2025, viện sẽ làm được những gì, điều kiện hiện tại như thế nào, viện cần Bộ hỗ trợ ra sao và sau thời gian đó sẽ đạt được kết quả gì…
Chia sẻ về mục tiêu phát triển trong thời gian tới của viện, ông Đào Duy Anh cho hay, viện sẽ tiếp tục phát triển KH&CN về các lĩnh vực khai thác, tuyển khoáng, luyện kim, môi trường công nghiệp, phân tích hóa – lý, chế tạo thiết bị, nấu đúc kim loại, nghiên cứu xử lý, tái chế phế liệu có nguồn gốc khoáng sản. Đồng thời, ứng dụng kết quả nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có hàm lượng KH&CN và giá trị gia tăng cao, từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu trong khu vực và thế giới về lĩnh vực KH&CN khai khoáng.
Để đạt mục tiêu, viện sẽ xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo hướng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách, từ khả năng tài chính tự có, từ các chương trình liên kết trong và ngoài nước. Đồng thời, huy động các nguồn đầu tư để tăng cường xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cấp máy móc thiết bị nghiên cứu, năng lực cho các phòng thí nghiệm; đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm và ứng dụng triển khai tạo ra sản phẩm có thể thương mại hóa trên thị trường...