Thu hút vốn FDI: Không “may sẵn” chính sách
Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Cơ hội đón “sóng” FDI dịch chuyển rất lớn |
Mặc dù thấp hơn so với năm ngoái, song các chuyên gia vẫn cho rằng tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn FDI vào nước ta đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt để thu hút FDI, cơ quan này đã làm việc rất tích cực với các nhà đầu tư. Đến nay, có nhiều DN cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay là cần có những đột phá để thu hút FDI chất lượng cao, chứ không phải đại trà. Thực tế, FDI vào Việt Nam phần lớn mới chỉ từ các nước châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây là Trung Quốc, rất ít vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu.
“Những nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu là những nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, phù hợp với chúng ta trong chuyển đổi tái cơ cấu. Vậy tại sao lại không có?” - ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - trăn trở .
Theo ông Cung, để thu hút FDI chất lượng cao, điều quan trọng nhất là phải xác định được mình muốn gì và thiết kế các gói chính sách theo dạng “may đo” cho từng đối tượng nhà đầu tư, chứ không phải là “may sẵn” cho tất cả các nhà đầu tư. Đặc biệt, phải hành động cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu.
Cạnh tranh bằng ưu đãi đặc biệt
Hiện, các chính sách ưu đãi đầu tư vẫn được áp dụng chung. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực, những quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt mới được nhắc đến. Theo quy định của Điều 20, Luật Đầu tư 2020, Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Các ưu đãi này có thể vượt khung so với quy định hiện hành.
Trên thực tế, sau các thông tin về việc Chính phủ sẽ dành cho nhà đầu tư lớn các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, để đôi bên có thể đàm phán theo hướng “cùng có lợi”, lãnh đạo một DN nước ngoài đang có các dự án quy mô lớn ở Việt Nam đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.
Mặc dù vậy, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) -cho rằng, hợp tác đầu tư nước ngoài là win-win, do đó, “chọn lọc” ở Nghị quyết 50-NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là gắn với tiêu chí công nghệ, môi trường, đặc biệt là cam kết hợp tác đưa DN Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Định hướng đặt ra rất rõ ràng và cơ hội đón làn sóng dịch chuyển là rất lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đừng nghĩ “nhà ta tốt” thì họ sẽ vào, mà phải nỗ lực, nếu không nhà đầu tư sẽ tới Indonesia, Thái Lan hay các nước khác trong khu vực.
Vì vậy, bên cạnh chính sách đột phá thu hút FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp quan trọng để thu hút FDI có chất lượng chính là cải thiện trình độ DN trong nước, thúc đẩy liên kết các DN trong nước với nhau, nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của các tập đoàn lớn. Đây chính là những cánh chim đầu đàn, là các đầu tàu kéo nền kinh tế tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, để vừa nghiên cứu chính sách mà các “đối thủ” như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang làm, vừa thiết kế các gói chính sách riêng cho từng đối tượng nhà đầu tư, thay vì áp dụng cho tất cả. |