Thu hút đầu tư vào Quảng Bình: Những kỳ vọng từ doanh nghiệp
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh năm 2022 là diễn đàn quan trọng để giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư của tỉnh Quảng Bình đến với cộng đồng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Bình với các nhà đầu tư, doanh nghiệp |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - đã giới thiệu qua về các tiềm năng thế mạnh của tỉnh Quảng Bình với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố vị trí địa lý nằm trên các trục giao thông huyết mạch cả nước; sự hội tụ của cảnh quan thiên nhiên rừng, biển, đồng bằng; đường bờ biển dài (116km) với nhiều bãi tắm đẹp hàng đầu cả nước.
Ông Thắng cũng thông tin thêm về cơ sở hạ tầng bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế (2 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp) có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các nhà máy, cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ có sức lan tỏa cả khu vực…
Theo ông Vũ Đại Thắng - Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình, trong suốt thời gian qua, Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã thể hiện tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thông qua 10 cam kết đối với nhà đầu tư.
“Một trong những nội dung trọng tâm hàng đầu là “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương. Nội dung 10 cam kết được thực hiện xuyên suốt trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo, là “kim chỉ nam” để Quảng Bình tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo “sân chơi” bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến mảnh đất "gió Lào cát trắng" |
Cũng theo Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng, với các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Bình; đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới… đang được triển khai; hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và ven biển được đầu tư mở rộng; hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông ngày càng đồng bộ. Cùng với cam kết đổi mới mạnh mẽ lề lối, phong cách, thái độ làm việc, nói đi đôi với làm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng,… để thu hút đầu tư, Quảng Bình tin tưởng sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư với những tiềm năng, cơ hội mới.
Ông Ngô Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - nhận định, tiềm năng thế mạnh của Quảng Bình chính là du lịch và bất động sản. Điều này được thể hiện qua việc đã có nhiều nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam như Vingroup, FLC, Saigon Touris… đã đến Quảng Bình đầu tư trong thời gian vừa qua.
“Hiện nay Bộ Chính trị có Nghị quyết 18 về việc xây dựng du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, đây là lợi thế rất lớn cho Quảng Bình vì tỉnh có nhiều tiềm năng thế mạnh về du lịch. Quảng Bình nằm trên con đường “Di sản miền Trung”, là nơi hội tụ được các yếu tố quá khứ, lich sử, tương lai. Và nếu Quảng Bình thực hiện được những cam kết mà lãnh đạo tỉnh đưa ra tại hội nghị thì nhà đầu tư sẽ yên tâm đầu tư vào Quảng Bình. Chúng tôi kỳ vọng rằng, Quảng Bình mạnh dạn đặt mục tiêu thu ngân sách vượt mức 10 nghìn tỷ chứ không chỉ với mục tiêu vượt mức 6 nghìn tỷ thu ngân sách như hiện nay. Chúng tôi cũng mong muốn lãnh đạo Quảng Bình tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bất động sản đầu tư vào Quảng Bình, đặc biệt ở 2 phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp”, ông Châu góp ý.
Ông Trần Ngọc Thái - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đất Xanh Miền Trung - cho rằng, Quảng Bình đã và đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thế giới. Tuy vậy, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hướng đi du lịch nghỉ dưỡng, khám phá chiến lược của Quảng Bình trong vài năm qua.
Theo ông Trần Ngọc Thái, hiện nay khi tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu, các đường bay quốc tế đang mở lại, bình thường hóa, ngành du lịch nghỉ dưỡng đang chờ đợi để mang đến một cuộc lột xác về kinh tế cho Quảng Bình.
“Để trở thành điểm đến toàn cầu, Quảng Bình cần mang đến cơ hội khám phá danh thắng thiên nhiên thế giới cho du khách theo một tiêu chuẩn trải nghiệm chuẩn quốc tế khác biệt. Hiện nay nhiều tỉnh thành miền Trung sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời đã tận dụng thành công nguồn lực này để phát triển ngành dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và các dịch vụ đính kèm như giải trí, mua sắm sang trọng. Quảng Bình cần tận dụng xu hướng này để phát triển bất động sản cao cấp phục vụ kinh doanh, nghỉ dưỡng và các ngành nghề liên quan, lấy đây làm cơ hội bứt phá trở thành điểm đến mới của du lịch cả nước. Từ đó lấy đây làm động lực lâu dài để phát triển các trụ cột kinh tế du lịch, công nghiệp - năng lượng tái tạo, nông nghiệp”, ông Thái góp ý.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, Quảng Bình là địa phương có tài nguyên rừng giàu có, độ che phủ rất cao, đã từng cống hiến nhiều gỗ quý cho cả nước nhưng hiện tại thu nhập từ lâm nghiệp vẫn còn khiêm tốn, dân cư vùng núi thua thiệt, khó khăn.
“Quảng Bình có lợi thế nguyên liệu rừng trồng (600-700 ngàn m3/năm) và có thể tăng lên trên 2 triệu m3/năm khi có vùng nguyên liệu ổn định trên 100 nghìn ha. Tuy vậy, Quảng Bình cũng cần có chính sách thu hút đầu tư, bù đắp bất lợi về logistics như cảng biển, khả năng kết nối doanh nghiệp…”, ông Hoài nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Điện gió B&T đã chia sẻ về quá trình triển khai đầy khó khăn của dự án Cụm trang trại điện gió BT do những ảnh hưởng của lũ lịch sử vào tháng 10/2020 và đại dịch Covid-19. Theo đó, những khó khăn thiên tai dịch bệnh này đã làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển, đứt gãy chuỗi cung ứng thiết bị trong quá trình triển khai thi công dự án. Tuy vậy, vượt qua tất cả, dự án Cụm trang trại điện gió BT vẫn hoàn thành trước thời điểm 31/10/2021 để kịp hưởng chính sách ưu đãi của mua giá điện FIT.
Ông Nguyễn Nam Thắng cho rằng, để đạt được kết quả kỳ tích nêu trên, ngoài năng lực và quyết tâm cao độ của chủ đầu tư thì sự đồng hành, quyết liệt và chủ động của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình đóng một vai trò hết sức quan trọng.
“Chúng tôi hết sức trân trọng và đánh giá rất cao các cấp chính quyền qua các thời kỳ. Tỉnh Quảng Bình đã xác định dự án của chúng tôi là dự án trọng điểm, luôn đồng hành cùng chúng tôi, làm việc một cách chủ động quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng, đúng luật nhưng không cứng nhắc trong việc hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh gọn và không xảy ra bất kỳ khiếu kiện nào của người dân và đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình thi công trên địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Với thành công của dự án này và niềm tin tuyệt đối vào môi trường đầu tư ngày một tốt hơn tại Quảng Bình, các cổ đông của chúng tôi đã hoàn toàn tin tưởng và quyết định tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các dự án mới tại Quảng Bình”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, hiện Công ty CP Điện gió B&T cũng đã đề xuất và đang nghiên cứu phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi AMI Quảng Bình với công suất 2.400 MW và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.