Những con số biết nói
Tại sự kiện Tọa đàm mùa Xuân Đà Nẵng 2019 tp. Đà Nẵng mới đây đã chứng kiến một bước tiến lớn trong kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. 8 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được trao cho các tập đoàn, doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 500 triệu USD, gấp hơn 3 lần so với thu hút trực tiếp nước ngoài của cả năm 2018 (153,6 triệu USD). Ấn tượng hơn nữa là 8 dự án đầu tư này đều thuộc những lĩnh vực mũi nhọn của TP. Đà Nẵng, đó là công nghiệp công nghệ cao (trong đó có công nghệ thông tin) và dịch vụ chất lượng cao. Đáng chú ý là Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trên diện tích 17ha, tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, do Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (Mỹ) làm chủ đầu tư; hay Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng với tổng mức đầu tư 70 triệu USD do Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) đầu tư…
![]() |
Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư tại Tọa đàm mùa Xuân 2019 |
TP. Đà Nẵng cũng đã trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư 11 dự án với tổng số vốn hơn 3,5 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng công nghiệp – công nghệ thông tin với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn như Sungroup, Vinamilk, VNPT, Viettel… Trong đó, đáng chú ý là Dự án Danang Gateway tại quận Sơn Trà do Liên doanh Sakae Holdings Ltd, Fission Holdings Pte. Ltd và Công ty CP XNK Newtechco đề xuất với số vốn lên đến 2 tỷ USD.
Ngoài ra, hàng loạt các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, tên tuổi cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu và đầu tư tại thành phố này.
Lắng nghe với tinh thần cầu thị
Phát biểu tại tọa đàm, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - cho biết, doanh nghiệp mong muốn được thực hiện đấu giá đất như quy định một cách công khai, minh bạch, bình đẳng để tập trung phát triển mảng bán lẻ phục vụ du lịch, kích thích chi tiêu của khách du lịch khi đến với Đà Nẵng.
Ông Trần Hồng Sơn – Tổng giám đốc Công ty CP Long Hậu - thì đề nghị, Đà Nẵng cần dành sự ưu tiên và quan tâm hơn nữa đến phát triển trong công nghiệp phụ trợ. Theo ông, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ rất cần sự hỗ trợ của chính quyền trong giải quyết vấn đề hạ tầng. Trước những góp ý thẳng thắn từ phía doanh nghiệp liên quan đến việc cơ sở hạ tầng thiếu, đặc biệt là chi phí mặt bằng sản xuất cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghệ cao, vấn đề cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trương Quang Nghĩa - cho hay, TP. Đà Nẵng sẽ dành sự ưu tiên cho việc cải thiện có hiệu quả công tác điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng định vị và xây dựng TP. Đà Nẵng có bản sắc; cải thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đầu tư, trong đó có việc khắc phục những tồn tại đối với từng khu công nghiệp, công khai và minh bạch quy hoạch các vị trí đất đang thu hút đầu tư; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện các chỉ số về môi trường đầu tư và kinh doanh.
Lắng nghe doanh nghiệp với tinh thần cầu thị đang được chính quyền TP. Đà Nẵng coi là phương thức hiệu quả để chính quyền và doanh nghiệp "xích lại gần nhau hơn" và để môi trường đầu tư trở nên "hấp dẫn" hơn. |