Thu hút đầu tư nước ngoài: Chậm cải thiện về chất, suy giảm về lượng
Chưa lấy lại được “phong độ” trước dịch Covid-19
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đạt 5,27 tỷ USD, chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có chất lượng chưa cao và có dấu hiệu suy giảm từ năm 2020 đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2020-2021 chưa lấy lại được quy mô của thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Cụ thể, năm 2019 Việt Nam thu hút được 38,02 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD và 2021 là 31,15 tỷ USD.
Tập trung thu hút dòng vốn FDI có chất lượng |
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2019, trước khi dịch Covid-19 vào Việt Nam là 20,38 tỷ USD; năm 2020 là 19,98 tỷ USD và năm 2021 là 19,74 tỷ USD.
Không chỉ giảm về số lượng vốn đăng ký mới, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng được đánh giá chậm cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực công nghệ trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực doanh nghiệp trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá trong trung hạn.
Bên cạnh giảm về số lượng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được đánh giá chất lượng chưa cao, chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ được như kỳ vọng, Việt Nam còn dễ dãi trong việc chấp nhận các dự án đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả về tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, còn tình trạng cấp đất quá lớn cho các dự án đầu tư nước ngoài mà không căn cứ vào quy hoạch; công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, chưa phát triển được công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ thống công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển.
Điều này khiến Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, do quy mô thị trường nội địa chưa lớn, trong khi đó nhiều quốc gia ngay sát Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều do đã phát triển đồng bộ về hạ tầng, chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất công nghiệp với quy mô lớn.
Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu |
Giải pháp nào cho dòng vốn ngoại?
Đánh giá đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn quan trọng, theo đó, để nâng cao hiệu quả dòng vốn này trong thời gian tới, Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nêu rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Trên cơ sở đó, nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận chẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.
Cùng với đó, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đang đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, do đó tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, có công nghệ cao và sức lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI trong thời gian tới, Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 20-25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Để làm được điều đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn là một trong những giải pháp quan trọng cần được tập trung thực hiện. |