Thông tin ngành Công Thương đáng chú ý trên các báo ngày 20/3
Lĩnh vực năng lượng
Trên báo Nhà báo và Công luận ngày 20/3 có bài đăng tải: "Trung Quốc ngừng mua khí hoá lỏng từ Mỹ"
Trung Quốc đã không tiếp nhận bất kỳ lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nào từ Mỹ trong suốt 40 ngày qua, và hiện không có tàu chở LNG nào đang trên đường đến nước này, theo Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ các hệ thống theo dõi tàu và công ty phân tích năng lượng Kpler. Kpler dự báo nhu cầu khí đốt tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới, do khu vực này đang bước vào giai đoạn nạp lại kho dự trữ ở mức thấp hơn so với thời điểm kết thúc các mùa đông trước.
Trong khi đó, dự báo nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm nay lại bị hạ xuống, một phần do lượng LNG nhập khẩu trong tháng 2 giảm sút, mà một trong những nguyên nhân có thể là tác động của căng thẳng thuế quan với Mỹ.
Trên Tạp chí Tài chính có nội dung đăng tải: "Hàng quý, thương nhân đầu mối phải báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu".
Để kiện toàn quy trình điều hành giá xăng dầu theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và Kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực tiễn điều hành giá xăng dầu hiện nay, Thông tư số 18/2025/TT-BCT đã bổ sung quy định về cơ chế điều hành giá xăng dầu. Theo đó, trên cơ sở số liệu về các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu theo quy định và ý kiến tham gia điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính bằng văn bản, Bộ Công Thươngcông bố giá cơ sở và giá bán xăng dầu.
Thương nhân phân phối xăng dầu có hoạt động thuê kho để phục vụ hoạt động kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho thuê. |
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra và cấp Giấy xác nhận và Giấy chứng nhận. Trong đó, bỏ quy định về kiểm tra và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, đối với thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu được tiếp tục hoạt động cho đến khi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực.
Như vậy, đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu mà Giấy xác nhận còn hiệu lực, trong quá trình hoạt động không thực hiện thủ tục hành chính cấp mới và chỉ giữ lại thủ tục sửa đổi, bổ sung và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.
Trên Tạp chí PetroTimes có bài đăng tải: "Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải có giải pháp xử lý vướng mắc của các dự án điện khí LNG".
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 126/TB-VPCP ngày 19/3/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp rà soát điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Thông báo kết luận nêu rõ, việc lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải theo đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch được nêu tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, bảo đảm 4 yêu cầu: Tính khả thi cao nhất; Đảm bảo an ninh năng lượng; Cân đối vùng miền và cân đối các loại hình năng lượng; Bảo đảm phục vụ tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số, cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trong đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 10/3/2025, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn.
Dứt khoát không để thiếu điện trong mọi tình huống; triển khai ngay các dự án khả thi và có phương án dự phòng cho các dự án chậm tiến độ; đảm bảo cân đối giữa các địa phương; khai thác tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương.
Các dự án do địa phương và các doanh nghiệp đề xuất cần được rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu phù hợp trong tổng thể quy hoạch, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia và tính khả thi.
Bộ Công Thương cần có giải pháp xử lý các vướng mắc của các dự án điện khí LNG; rà soát các dự án, tiếp tục bổ sung nguồn điện nền đảm bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trong kế hoạch thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cần bổ sung các mốc tiến độ cụ thể cho các dự án để theo dõi, đôn đốc, xác định trách nhiệm khi triển khai.
Bộ Công Thương phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Trên Tạp chí Tin nhanh chứng khoán có nội dung đáng chú ý: "Áp lực với gạo Việt"
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chịu áp lực giảm khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm vào ngày 7/3/2025. Thị trường gạo Ấn Độ mở cửa sau 2 năm siết chặt đồng nghĩa với gia tăng nguồn cung, gạo Việt gặp áp lực cạnh tranh. Trong khi đó, giới phân tích đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia có sự giảm sút khi đã tích lũy dự trữ đủ cho năm 2024 và chờ đợi giá giảm trước khi tái nhập khẩu. Các thị trường lớn khác của xuất khẩu gạo Việt Nam như Bờ Biển Ngà, Ghana có sức mua không còn mạnh như trước.
Nguồn cung toàn cầu tăng lên khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm, trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước lớn vẫn thận trọng, là yếu tố chính khiến giá gạo giảm. Dự báo, giá gạo xuất khẩu có thể giảm thêm trong năm 2025, trước áp lực nguồn cung toàn cầu gia tăng.
Doanh nghiệp ngành gạo đang theo dõi sát sao động thái trên thị trường, đặc biệt tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan để có sự điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp.
Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ ngành gạo nói chung, các doanh nghiệp trong ngành nói riêng, đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống, đảm bảo xuất khẩu gạo bền vững. Bộ này dự kiến tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường như Philippines, Indonesia, Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Trên báo Kiểm toán có bài: "Xuất khẩu phải tăng 12-14%".
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, bất chấp những thách thức từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, bất ổn kinh tế và các rủi ro thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam đã đạt 786 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giữ vững vị thế và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, giúp hoạt động ngoại thương của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, nhất là tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí có nguy cơ leo thang ngay trước nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam vẫn giữ vai trò đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu, năm 2025 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 12-14%. Ảnh Cấn Dũng |
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ sau 4 tuần trở thành Tổng thống chính thức của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đang thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách thương mại đã hứa trong chiến dịch tranh cử với những tác động đến thuế, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Trên Báo Vietnamnet có bài: "Đề nghị Mỹ không sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam".
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu, mang tầm chiến lược, nhất là về kinh tế - thương mại, đầu tư. Việt Nam mong muốn và đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại hai nước phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững. Các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực rà soát biểu thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, khuyến khích gia tăng nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là nông sản, khí hóa lỏng và sản phẩm công nghệ cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa từ bên ngoài. Ngoài ra, đề nghị Mỹ không sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Bộ Thương mại Mỹ.
Trên tạp chí Mekongasean có bài: "Việt Nam rà soát cuối kỳ về phòng vệ thương mại với mía đường từ Thái Lan".
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan điều tra, nhà sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thời hạn Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 21/4/2025. Hồ sơ nộp trực tiếp tại Cục Phòng vệ thương mại theo địa chỉ: Tầng 3, Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Lĩnh vực Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Trên Tạp chí Đầu tư chứng khoán có bài: "Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore: Chưa nhận được thông báo về thương vụ sáp nhập Grab và GoTo".
Hôm thứ Tư (19/3), Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore (CCCS) cho biết, chưa nhận được thông báo từ Grab hoặc GoTo về một thương vụ sáp nhập được đề xuất.
Theo đó, CCCS đã nhận thấy các báo cáo trên phương tiện truyền thông liên quan đến khả năng sáp nhập giữa hai công ty và cho rằng các bên nên tìm kiếm tư vấn pháp lý về việc liệu bất kỳ vụ sáp nhập nào được đề xuất có tuân thủ luật cạnh tranh tại Singapore hay không.
"CCCS sẵn sàng tham gia với các bên thông qua các quy trình thảo luận thông báo sáp nhập và thông báo trước của chúng tôi", ủy ban cho biết.
Grab và GoTo được cho là đã tham gia vào một số vòng đàm phán về một vụ sáp nhập tiềm năng.
Theo Euromonitor International, nếu kết hợp, Grab và GoTo sẽ nắm giữ gần 90% thị phần tại Singapore và hơn 91% tại Indonesia trong lĩnh vực gọi xe.
Năm 2018, CCCS đã phạt Grab và Uber tổng cộng 9,76 triệu USD sau khi Grab không thông báo về vụ sáp nhập với Uber, vụ việc đã làm giảm đáng kể sự cạnh tranh tại Singapore.
Năm ngoái, Grab đã hủy bỏ đề xuất mua lại hãng taxi lớn thứ ba của Singapore là Trans-cab.
Ủy ban cho biết, họ có thể áp dụng hình phạt lên tới 10% doanh thu của một công ty tại Singapore cho mỗi năm vi phạm, tối đa là ba năm, nếu một công ty bị phát hiện vi phạm luật cạnh tranh.
"Có thể đưa ra chỉ đạo theo luật để khắc phục, giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động bất lợi phát sinh từ vụ sáp nhập, bao gồm cả việc hủy bỏ vụ sáp nhập", ủy ban cho biết.
CCCS cho biết thêm rằng khi cần thiết, ủy ban có thể áp dụng các biện pháp tạm thời để bảo vệ sự cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, Grab cho biết họ sẽ không bình luận về tin đồn hoặc suy đoán. Trong khi GoTo cho biết rằng không có thỏa thuận với bất kỳ bên nào về một giao dịch tiềm năng sau khi Bloomberg News đưa tin trong tuần này rằng Grab đã bắt đầu thẩm định để tiếp quản GoTo.
Trên Báo Lao động đăng tải thông tin: "TP. HCM có 19 doanh nghiệp đa cấp, doanh thu 2.374 tỉ đồng".
TPHCM có 19 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, với 86.676 người tham gia và tổng doanh thu đạt 2.374 tỉ đồng trong năm 2024.
Thông tin này được nêu trong báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM gửi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương về kết quả thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo báo cáo, số doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động tại TP.HCM đã giảm từ 22 vào năm 2021 xuống còn 19 vào năm 2024, với 86.676 người tham gia mạng lưới bán hàng.
Doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của 19 doanh nghiệp trong năm 2024 đạt 2.374 tỉ đồng.
Có 16/19 doanh nghiệp đang hoạt động được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có trụ sở chính tại TP.HCM, chiếm 85% tổng số doanh nghiệp được cấp phép.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp diễn ra minh bạch, lành mạnh, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã tích cực thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong năm 2024, Sở Công Thương TP.HCM cấp phép cho các doanh nghiệp đa cấp tại TP.HCM tổ chức 924 hội nghị, hội thảo và các chương trình đào tạo.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về hoạt động bán hàng đa cấp, phân biệt giữa bán hàng đa cấp hợp pháp và bất hợp pháp, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng.
Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2025, Sở Công Thương đã xây dựng các hình ảnh thiết kế đồ họa (infographic) để truyền tải thông tin một cách trực quan, dễ hiểu, tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tiếp cận đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Song song đó, Sở Công Thương tích cực kết hợp công tác tuyên truyền với việc giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân thông qua các vụ việc cụ thể, tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Hàng năm, Sở Công Thương TPHCM chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, do đặc thù của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đội ngũ cán bộ còn gặp một số khó khăn về chuyên môn khi kiểm tra việc tuân thủ quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng và hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp.
Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương. Việc giám sát không chỉ tập trung vào hình thức tổ chức trực tiếp mà còn bao gồm cả các hoạt động diễn ra trực tuyến.