Thứ hai 23/12/2024 21:20

Thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu áp dụng năm 2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong 2023.

Phiên họp diễn ra vào chiều 30/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu

Trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước bối cảnh giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới vẫn liên tục biến động, khó dự báo, để góp phần ổn định giá xăng, dầu, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ thẩm quyền được giao, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023

Việc xây dựng Nghị quyết nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô biến động phức tạp. Đồng thời, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao.

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức sàn trong Biểu khung thuế.

Chính phủ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Đồng thời, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động giảm, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để trình Ủy ban Thường vụ quốc hội phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho phù hợp với tình hình thực tế.

"Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên việc giảm thuế cũng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

Thống nhất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023 để tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tại từng thời điểm điều chỉnh giá bán trong nước; đánh giá kỹ hơn về tác động của từng yếu tố (giá bán trên thị trường thế giới, giảm thuế bảo vệ môi trường) tác động đến việc giảm giá trong nước để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ trong các nhận định, đánh giá thể hiện trong Tờ trình.

Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu đối với xăng từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên, Tờ trình chưa báo cáo các giải pháp khác Chính phủ đã áp dụng để góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước. Việc áp dụng mức sàn thuế bảo vệ môi trường như phương án đề xuất của Chính phủ sẽ làm giảm thu NSNN khá lớn.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa so với mức trần Biểu khung thuế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc giảm thuế có mức độ này sẽ để lại dư địa để có thể tiếp tục điều chỉnh trong trường hợp cần thiết sau này.

Sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 để tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo phương án của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị. Mức thuế được áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2024 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 600 đồng/lít. Riêng thuế với nhiên liệu bay hiện vẫn còn khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nên đề nghị áp mức sàn trong biểu thuế 1.000 đồng/lít. Thời hạn áp dụng từ 1/1/2023 đến hết 31/12/2023.

Mức giảm thuế này thấp hơn so với mức Chính phủ trình. Tuy nhiên, đây là phương án Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt sau nhiều cân nhắc, thẩm tra đề xuất của Chính phủ.

Với 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo, trình Nghị quyết xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong ngày 31/12/2022.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do