Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018
Trước khi biểu quyết, trình bày dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp Lê Bộ Lĩnh cho biết, tổng số thu ngân sách nhà nước năm là 1.319.200 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng.
Về bội chi ngân sách nhà nước, dự toán năm 2018 là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP), trong đó: bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước (gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước) trong năm 2018 là 363.284 tỷ đồng.
Về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Quốc hội đã thống nhất giảm dự toán vốn trái phiếu Chính phủ 14.033,79 tỷ đồng và điều chỉnh tăng dự toán vốn ngoài nước 14.033,79 tỷ đồng để bố trí dự toán cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí vốn theo dự toán từ năm 2016 trở về trước. Đồng thời, bổ sung các dự án này vào danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, được phép sử dụng từ nguồn dự phòng chung từ vốn ngoài nước trung hạn.
Quốc hội cũng thống nhất bổ sung 245,814 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2017 cho Tập đoàn Điện lực và 8 địa phương theo đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 349/TTr-CP ngày 23/8/2017 và bổ sung 77,66 tỷ đồng dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á cho tỉnh Thừa Thiên - Huế theo Tờ trình số 403/TTr-CP ngày 4/10/2017 của Chính phủ.
Về các biện pháp giao Chính phủ điều hành nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2018, Quốc hội thống nhất giao Chính phủ: Điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm tính trung lập của thuế, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và công tác quản lý thu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế;…