Thứ bảy 28/12/2024 00:26

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì về tình trạng xử lý sở hữu chéo ngân hàng?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, khó xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo ngân hàng chỉ bằng một quy định, mà phải cần thêm nhiều luật, chính sách khác.

Còn tình trạng sở hữu chéo?

Hôm nay (18/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư.

Đối với lĩnh vực ngân hàng (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15), theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, các nội dung yêu cầu của Quốc hội đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Trong đó, các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước được triển khai tích cực. Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới. Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.

"Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn" - bà Ngần nêu đánh giá.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội

Nêu ý kiến về tiến độ xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội bày tỏ băn khoăn rằng, hiện trên thực tế có còn tình trạng sở hữu chéo hay không và có tác động gì đối với các chính sách trong luật các tổ chức tín dụng sửa đổi tới đây, và đặc biệt, có tác động gì đối với sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế của chúng ta hiện nay?

Là chủ nhiệm cơ quan thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm vấn đề ông Tới nêu. Ông Thanh cho biết, qua thẩm tra dự thảo luật thì thấy rằng sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt, vi phạm đã xử lý rồi, nhưng cơ chế để xử lý dứt điểm các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng còn nhiều ý kiến khác nhau.

"Các chính sách mới đề xuất như giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng hay tỷ lệ sở hữu cổ phần có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo hay không còn chưa khẳng định được. Phía ngược lại, mở rộng hơn hay thu hẹp hơn đều có ảnh hưởng đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài" - ông Thanh nói.

Sở hữu chéo được khắc phục trên hồ sơ

Lên tiếng về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trên hồ sơ đến nay sở hữu chéo đã được khắc phục, nhưng trong thực tế tổ chức cá nhân đứng tên hoặc nhờ người khác đứng tên hộ về sở hữu cổ phần/hoặc trong hoạt động thực tiễn thành lập các doanh nghiệp trong hệ sinh thái… để có thể vay vốn ngân hàng. Những vấn đề này qua điều tra và qua các vụ việc vừa qua mới phát hiện.

"Đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm, vì vậy trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng cũng là vấn đề trọng tâm khi thiết kế các quy định trong dự thảo luật. Dự thảo cũng đã thiết kế trong một nhóm vấn đề nhằm giảm hiện tượng sở hữu chéo, mở rộng phạm vi khái niệm có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến cũng còn ý kiến băn khoăn ví dụ như quy định này có xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng không?" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu chờ một quy định xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo thì sẽ không bao giờ có, mà các quy định khác cũng cần phải hướng đến. "Không chỉ trong Luật Các tổ chức tín dụng mà trong các văn bản pháp luật khác, các lĩnh vực khác cần có các quy định để hoạt động của doanh nghiệp và người dân ngày càng minh bạch" - bà Hồng khẳng định.

Với lo ngại quy định trong luật tác động tới thị trường chứng khoán, tăng chi phí, thủ tục, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là vấn đề cần quan tâm và đánh giá tác động xây dựng luật. Khi xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng, vấn đề ưu tiên là đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và kiểm soát được rủi ro. Do đó, việc phân tích đánh giá tác động cần đánh giá trong bức tranh lớn hơn đó là vai trò của tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nền kinh tế.

Hay về chi phí, thủ tục để kiểm soát rủi ro thì đương nhiên các tổ chức tín dụng phải tăng chi phí là cần thiết và chúng ta được lớn hơn đó là kiểm soát, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc lý giải, nghe thì tưởng của hệ thống ngân hàng, nhưng thực ra là các khoản nợ của doanh nghiệp, cá nhân vay của ngân hàng, khi không có khả năng trả nợ thì trở thành nợ xấu.

Thống đốc cho rằng, nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thực tiễn của hoàn cảnh kinh tế. Trước kia, kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng rất cao. Năm 2011 - 2012, nợ xấu lên đến 17,2%; năm 2017 nợ xấu cũng trên 10%. Sau đó, nợ xấu giảm, nhưng từ năm 2020, tiếp tục gặp khó khăn, nợ xấu hiện nay đang tăng lên. Bà Hồng khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các biện pháp, tiếp tục xử lý nợ xấu theo quy định.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

Cảnh giác tình trạng kẻ gian phá máy ATM để chiếm đoạt tiền ngân hàng

Xác thực sinh trắc học ‘giờ G’ đã đến

VNDirect: Nhu cầu tín dụng tăng tốc, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động dịp cuối năm

Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam là quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất khu vực châu Á

Nam A Bank – Ngân hàng đầu tiên phối hợp Napas triển khai dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay

Global Banking & Finance Review trao tặng 2 giải thưởng bán lẻ cho VietinBank

Cổ phiếu CTC đứng trước nguy cơ 'xóa sổ'

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

Sang tuần, UPCoM đón thêm 'tân binh' là công ty hóa chất 45 năm tuổi

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử