“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi
Khi quyết định đặt nhà máy lọc dầu (NMLD) đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hướng đến mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế khu vực miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều năm qua, NMLD Dung Quất đã khẳng định vai trò thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét việc quy hoạch cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất năm 1995 (Ảnh tư liệu) |
NMLD Dung Quất được đặt tại Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất, do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chịu trách nhiệm quản lý, vận hành. NMLD Dung Quất đã tác động rất tích cực đến hàng loạt các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất, là “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi.
Giai đoạn 1996-2020, tổng vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biến động, xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có vai trò của NMLD Dung Quất. Nếu giai đoạn 1996-2004, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạt 3,7 nghìn tỉ đồng, đã tăng lên khoảng 6 nghìn tỉ đồng trong năm 2005 và đến năm 2008 đã đạt khoảng 24,5 nghìn tỉ đồng, cao nhất so với các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định. Như vậy, chỉ trong 12 năm, tổng số vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tăng hơn 6,6 lần, đặc biệt trong giai đoạn NMLD Dung Quất được triển khai đầu tư xây dựng.
Giai đoạn sau năm 2008, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế đã làm cho các dự án đầu tư rút vốn, làm suy giảm mạnh nguồn vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, nhưng dần được phục hồi và phát triển trở lại vào năm 2013. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục nhận được nhiều sự đầu tư, vốn đầu tư đạt đỉnh điểm vào giai đoạn 2018-2019 với khoảng 43 nghìn tỉ đồng, gần bằng 1/4 tổng số vốn đầu tư của miền Trung.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các địa phương khác trong vùng, có thể nhận thấy sự khác biệt đột biến trong việc đóng góp của NMLD Dung Quất trong giai đoạn 2005-2008. Khi các tỉnh miền Trung như Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế có sự tăng dần đều vốn đầu tư thì Quảng Ngãi có những sự đột biến nhất định theo các mốc thời gian xây dựng và hoạt động của NMLD Dung Quất. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của NMLD Dung Quất đạt hiệu quả cao đã góp phần tác động vào giá cả xăng dầu. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư vào Quảng Ngãi cũng có xu hướng biến động tăng giảm theo giá cả xăng dầu qua các thời kỳ.
Trong giai đoạn xây dựng, vốn đầu tư “rót” vào tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu đến từ nguồn vốn Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng... Khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động và xuất bán các dòng sản phẩm đầu tiên, bắt đầu thu hút các dòng vốn ngoài Nhà nước đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2008, nguồn vốn của Nhà nước khoảng 84,3 nghìn tỉ đồng, giảm xuống 43,1 nghìn tỉ đồng giai đoạn 2012-2013. Ngược lại, nguồn vốn ngoài Nhà nước dần tăng lên từ 11,6 nghìn tỉ đồng lên 52,7 nghìn tỉ đồng trong cùng giai đoạn.
Bên cạnh vai trò là động lực phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, từ khi được thành lập, KKT Dung Quất đã tác động mạnh mẽ đến đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, từ cuối năm 2005, khi Dự án NMLD Dung Quất được triển khai xây dựng, vốn FDI đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến. Trong đó, giai đoạn 2000-2005, hằng năm, tại tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 1 dự án FDI và vốn đăng ký mới khoảng 2,2 triệu USD. Đến năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi đã có 5 dự án FDI và vốn đăng ký tăng mạnh lên đến hơn 831 triệu USD. Đến năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi có 4 dự án FDI lớn, vốn đăng ký đạt hơn 3 tỉ USD.
Sau đó, nguồn vốn FDI vào tỉnh Quảng Ngãi có sự suy giảm bởi khủng hoảng kinh tế, mặc dù thời gian này, NMLD Dung Quất đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Như vậy, có thể thấy tác động của NMLD Dung Quất đến thu hút FDI không phải đến từ giai đoạn sau khi hoàn thành và đi vào vận hành mà còn từ khi quyết định đầu tư, khởi công xây dựng. Trước khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đăng ký đầu tư để có thể bắt kịp thời cơ nhà máy đi vào hoạt động, cho thấy rằng, việc quyết định xây dựng NMLD Dung Quất đã tác động đến FDI tại tỉnh Quảng Ngãi.
Thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi từ khi có quyết định xây dựng nhà máy đã chứng minh sự đúng đắn trong quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Bên cạnh đó, giai đoạn sau năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng góp phần giúp nguồn vốn FDI “đổ” vào tỉnh Quảng Ngãi tăng lên đáng kể nhờ sự thu hút của NMLD Dung Quất. Có thể thấy, NMLD Dung Quất được khởi công xây dựng đã tạo sự thu hút đầu tư lớn với các công ty, tập đoàn lớn như: Doosan, Guang Lian Steel, Sembcorp, J-Power, Kicox, Kizuna, Sumida...
Qua nhiều năm phát triển, NMLD Dung Quất với sự quản lý, vận hành của BSR đã có nhiều thành tựu to lớn trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Với kết quả sản xuất kinh doanh vượt trội, BSR đã đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi với GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 97,67 triệu đồng, xếp thứ 2 so với 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thứ 2 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
NMLD Dung Quất đã thể hiện vai trò “thỏi nam châm” thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Quảng Ngãi, qua đó, chứng minh và khẳng định tầm nhìn và quyết định đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Bên cạnh vai trò là động lực phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, từ khi được thành lập, KKT Dung Quất đã tác động mạnh mẽ đến đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, từ cuối năm 2005, khi Dự án NMLD Dung Quất được triển khai xây dựng, vốn FDI đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều chuyển biến. Trong đó, giai đoạn 2000-2005, hằng năm, tại tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 1 dự án FDI và vốn đăng ký mới khoảng 2,2 triệu USD. Đến năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi đã có 5 dự án FDI và vốn đăng ký tăng mạnh lên đến hơn 831 triệu USD. Đến năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi có 4 dự án FDI lớn, vốn đăng ký đạt hơn 3 tỉ USD. |