Thứ tư 01/01/2025 22:02

Thời điểm nào thích hợp để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương đã trả lời báo chí xoay quanh vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa.

Mới đây, Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến yêu cầu làm một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, bà nhìn nhận thế nào về nội dung này?

Tôi tham gia Quốc hội từ khóa XIV, việc ban hành Nghị quyết 51 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018, tôi cũng là một trong những thành viên bấm nút thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Trả lời cho câu hỏi vì sao có nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có một bộ sách giáo khoa? Trong Nghị quyết 51 của Quốc hội cũng nêu rất rõ việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, đây là thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Chúng ta có một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa trong đó có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và phát hành. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Quốc hội những khó khăn, vướng mắc và xin điều chỉnh nội dung của Nghị quyết.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thứ nhất, ở thời điểm đó đã có những bộ sách giáo khoa được Bộ thẩm định và đã xuất bản đủ điều kiện để dạy cho học sinh.

Thứ hai, do triển khai hơi chậm cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo bị động trong vấn đề mời các tác giả viết sách và chủ biên sách giáo khoa. Bởi, lúc bấy giờ các tác giả viết sách và chủ biên sách giáo khoa đã và đang tham gia với các tổ chức cá nhân khác để biên soạn các bộ sách giáo khoa khác nhau.

Vì vậy, dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực thiếu, nếu như vẫn tiếp tục yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa ngay trong thời điểm đó thì vô cùng khó cho Bộ. Hơn nữa, đấy là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên còn nhiều nhiệm vụ khác nhau mà Bộ phải triển khai.

Năm 2023, có cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Trong kết luận nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được nội dung biên soạn sách giáo khoa và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.

Sau kết luận này có nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc là “Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên ban hành bộ sách này hay không?”

Một là, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đề nghị không ban hành với lý do hiện nay chúng ta đã có nhiều Bộ sách giáo khoa, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giảng dạy cho học sinh, đủ cho các trường lựa chọn nên Bộ không cần thiết phải biên soạn một bộ sách.

Hai là, nếu Bộ biên soạn một bộ sách thì rất dễ rơi vào độc quyền. Bởi, cơ sở giáo dục, các nhà trường được quyền chọn sách không tránh khỏi tình trạng giáo viên để an toàn họ sẽ chọn ngay bộ sách của Bộ.

Vì công việc chọn sách giáo khoa không đơn giản, mất thời gian, vất vả, có bao nhiêu bộ sách giáo khoa giáo viên bắt buộc phải đọc hết, sau đó so sánh đối chiếu với nhau để tìm ra một bộ sách giáo khoa ưu việt nhất, phù hợp nhất với đối tượng học sinh của mình.

Vậy, nếu có một bộ sách của Bộ thì không tránh khỏi việc sẽ nhất loạt chọn sách của Bộ để đỡ phải đọc nhiều. Theo niềm tin của người trong ngành thì sách của Bộ biên soạn chắc chắn tốt rồi, trong quy định cũng không quy định các trường không được dạy các bộ sách giáo khoa giống nhau. Vậy thì sẽ không tránh khỏi độc quyền.

Ba là, khi các cơ sở giáo dục đều chọn sách của Bộ thì sẽ dẫn đến “phá sản” việc chúng ta thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa, lại quay về một bộ sách giáo khoa. Vậy, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư để biên soạn sách giáo khoa thì họ sống như thế nào?

Thêm nữa, một vấn đề đặt ra chính sách xã hội hóa sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì thực hiện ra sao?

Thưa bà, một số ý kiến băn khoăn là có lãng phí hay không khi chúng ta đã có rất nhiều sách giáo khoa để lựa chọn, bây giờ lại lấy ngân sách nhà nước để biên soạn thêm một bộ sách?

Trước câu hỏi có cần thêm bộ sách giáo khoa nữa hay không? Quan điểm của tôi là vẫn cần. Vì trong Nghị quyết, chủ trương thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa chúng ta không nói 5, 6, 7 hay 10 bộ.

Sách giáo khoa dù sao cũng là một mặt hàng, cho dù nó là một mặt hàng đặc biệt đi chăng nữa. Vậy, khi càng có nhiều nhà cung cấp, càng có nhiều mặt hàng thì càng có nhiều sự chọn lựa phong phú khác nhau.

Cũng như người đi mua hàng, khi không có sự chọn lựa nào thì bắt buộc phải mua một mặt hàng duy nhất được cung cấp. Nhưng, khi có nhiều sự lựa chọn thì quyền chọn lựa sẽ tốt hơn. Tạo ra thế cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách, điều này học sinh, giáo viên, phụ huynh là người được hưởng lợi.

Sách giáo khoa chúng ta không chốt bao nhiêu bộ là đủ, nhiều cũng được không sao cả nhưng bắt buộc các tổ chức cá nhân phải có sự cạnh tranh với nhau.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa thì chắc chắn rơi vào độc quyền, chắc chắn lại quay trở lại một bộ sách giáo khoa.

Theo đánh giá của cá nhân tôi qua quá trình đi đánh giá, giám sát cũng như tìm hiểu, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay với sách giáo khoa, chọn lựa sách giáo khoa và thực hiện Chương trình giáo dục mới là nhận thức của xã hội nói chung về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tôi thấy, có một phần lớn người dân chưa hiểu được là: Tại sao phải có nhiều bộ sách giáo khoa? Và người dân chưa hiểu được sự ưu việt khi một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa.

Chúng ta xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh. Ví dụ, chuẩn chương trình yêu cầu học sinh học hết lớp 1 phải đọc thông viết thạo đối với bộ môn Tiếng Việt, hay ví dụ với môn Toán là cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 10.

Theo đại biểu Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhưng không phải bây giờ

Với sách giáo khoa, giáo viên có quyền lựa chọn bất cứ bộ sách nào để dạy cho học sinh. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy bộ sách giáo khoa nào không quan trọng mà quan trọng là hết lớp 1 học sinh được “nghiệm thu” để xác định các em có đọc thông viết thạo, có làm phép tính thành thạo được trong phạm vi 10 theo đúng chuẩn chương trình hay không?.

Khi học sinh đạt được đúng chuẩn chương trình này, sách giáo khoa không quan trọng nữa mà quan trọng là học sinh đạt được chuẩn kỹ năng. Đây là điều ưu việt.

Như bà chia sẻ, rõ ràng chúng ta xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh, nhưng hiện nay theo bà chúng ta còn thiếu điều gì?

Đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực. Bởi thay vì được cung cấp sẵn một bộ sách giáo khoa để dạy thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm hiểu và lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để dạy cho học sinh.

Như vậy, đòi hỏi giáo viên phải am hiểu về đối tượng học sinh của mình, bởi không phải học sinh nào cũng giống học sinh nào.

Lợi ích với học sinh là các em không bị phụ thuộc vào sách giáo khoa. Từ đó, triệt tiêu được dạy vẹt và học vẹt. Tiếp đó, xây dựng được một thế hệ công dân mới không suy nghĩ theo lối mòn, không hành động dập khuôn, các em sẽ trưởng thành và sống đầy bản lĩnh, biết đưa ra ý kiến, chính kiến, linh hoạt trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Đây là ý nghĩa và mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng rất tiếc đến thời điểm này, chưa nhiều người thấm thía được tính ưu việt của chương trình mới.

Vì chưa thấm được tính ưu việt, cộng với việc chúng ta chuẩn bị chưa kỹ về mặt cơ sở hạ tầng giáo dục nên chương trình giáo dục chưa phát huy được.

Nói về cái khó trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, theo tôi cơ sở hạ tầng đầu tiên chính là giáo viên. Chúng ta đang sử dụng một đội ngũ giáo viên đang giảng dạy mấy chục năm chương trình cũ để chuyển sang chương trình mới. Chỉ đơn giản là đưa cho họ sách giáo khoa mới và vài ngày tập huấn thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình năm 2018.

Tư duy này rất quan trọng, nếu không bắt kịp, giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối và vất vả… Trong quá trình chọn sách giáo khoa, giáo viên cũng sẽ cảm thấy vô cùng áp lực.

Thậm chí, chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới. Ví dụ như dạy liên môn ở cấp THCS, vẫn sử dụng giáo viên đào tạo đơn môn để dạy liên môn.

Bên cạnh đó, quá trình tuyên truyền, truyền thông mục đích của việc đổi mới sách giáo khoa cũng chưa được thực hiện trọn vẹn. Chính vì thế, đã gây nên rất nhiều dư luận và áp lực cho ngành giáo dục.

Bà có nêu ở trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nên có một bộ sách giáo khoa, thế nhưng thời điểm nào là thích hợp? Chúng ta cần phải lưu ý thêm điều gì để chương trình đổi mới giáo dục được diễn ra hiệu quả nhất?

Trở lại câu hỏi “Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không?” Câu trả lời của tôi là “Có”, nhưng không phải ở thời điểm này. Bởi thời điểm này nếu tiến hành biên soạn sẽ nảy sinh rất nhiều rắc rối như tôi nêu ở trên, như quay về độc quyền hay các hệ lụy khác khi đội ngũ biên soạn sách chưa chuẩn bị xong.

Thời điểm thích hợp là khi chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ về các điều kiện hạ tầng. Mỗi bản thân giáo viên, phụ huynh và học sinh đều hiểu rất rõ về ý nghĩa của nhiều bộ sách giáo khoa và thoải mái lựa chọn sách giáo khoa. Không áp lực khi lựa chọn mà chọn bộ sách phù hợp nhất với mình.

Khi đạt được điều này thì bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được coi như bộ sách của những tổ chức khác.

Để đạt được điều này, tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng toàn thể xã hội phải có những nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, cải thiện hạ tầng về cả giáo viên và cả cơ sở vật chất.

Chúng ta vẫn đang sử dụng hệ thống trường lớp cũ, nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tăng tương tác và tính tích cực của học sinh, cho nên kết cấu chương trình các em làm việc nhóm rất nhiều, đòi hỏi phải có không gian. Lớp học hiện nay sẽ không đáp ứng được điều này.

Thêm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu rất nhiều hoạt động trải nghiệm và các hoạt động khác nữa cho học sinh, nhưng cách Nhà nước giao ngân sách cho ngành giáo dục thực hiện vẫn là “giao theo cách cũ, chương trình cũ”. Định mức kinh phí cũ với yêu cầu thực hiện chương trình mới tạo thêm ngổn ngang khó khăn cho ngành giáo dục.

Tôi rất chia sẻ với ngành giáo dục khi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vướng mắc và phức tạp. Các vấn đề đang được tháo gỡ dần dần, nhưng với những vấn đề là căn bản, cốt lõi, tôi đề nghị trong thời gian tới phải được tháo gỡ khẩn trương.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Đại biểu Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Quốc hội: Ngành Công Thương đạt nhiều dấu ấn

Thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý

Quy định mới với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc từ 1/1/2025

Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư

10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương năm 2025

Thủ tướng: Mở rộng thị trường xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Đảng bộ Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024

Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp

Việt Nam - Lào: Nhất trí tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế

Thủ tướng: Sắp xếp bộ máy Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không để gián đoạn công việc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sỹ - đội quân văn hóa của Đảng

Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào

Công tác lập pháp là điểm nhấn quan trọng trong năm 2024

Tổng Bí thư trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Ủy ban Dân tộc sau sắp xếp phải sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức cùng đất nước tiến bước

Thành phố Huế chính thức trực thuộc Trung ương