Thị trường TP. Hồ Chí Minh cuối năm: Nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Ba Huân - cho biết, hiện tại, Ba Huân đã chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường cuối năm, từ nguồn cung nguyên liệu, nâng công suất sản xuất cho tới lưu thông phân phối hàng hóa. Năm nay, công ty nâng công suất của các trang trại gà trứng, gà thịt tại Bình Dương, Long An; nhà máy thực phẩm (huyện Đức Hòa, Long An) tăng cường sản xuất các mặt hàng thịt, lạp xưởng… với công suất từ 30 tấn/ngày đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong phân phối, ngoài hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.op Food, Big C…, Ba Huân sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ở chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, trường học với giá bảo đảm ổn định.
Các doanh nghiệp tích cực chuẩn bị nguồn hàng cuối năm |
Tổng giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An - cho hay, năm ngoái, lượng thực phẩm tươi sống của Vissan cung cấp cho thị trường đạt 3.200 tấn. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên sẽ bị ảnh hưởng (chủ yếu là thịt lợn) và dự kiến chỉ tăng khoảng 5%. Với thực phẩm chế biến, Vissan dự kiến sẽ tăng khoảng 15%; riêng sản lượng thịt bò có thể tăng khoảng 10% so với năm trước. Ngoài ra, do căng thẳng nguồn cung thịt lợn, công ty đang tính đến việc nhập thịt mát để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ngoài các DN sản xuất, DN bán lẻ lớn trên địa bàn thành phố cũng có kế hoạch khá chi tiết cho thị trường cuối năm 2019. Năm nay, Saigon Co.op tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường với 10 nhóm hàng và tổ chức thực hiện ứng vốn cho các DN sản xuất hàng hóa vệ tinh để chuẩn bị tốt nguồn hàng theo tiêu chí sản phẩm đạt chuẩn organic, VietGAP, góp phần định hướng tiêu dùng cho người dân.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm 2019, các DN đã đầu tư nhiều vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản xuất theo quy trình kép kín. Trong đó, 100% sản phẩm trứng, thịt gia cầm; thịt heo, thịt bò, rau, củ, quả đều được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố thực hiện từ ngày 1/4/2019 đến hết tháng 3/2020. Mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 10 nhóm hàng, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 30% nhu cầu thị trường và các tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường.
Đối với mặt hàng thịt lợn, do dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường vào dịp cuối năm. Sở Công Thương thành phố đã có kế hoạch triển khai, đôn đốc DN bình ổn thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm; bảo đảm cung ứng đạt, vượt kế hoạch thành phố giao trong mọi tình huống thị trường.
Phục vụ thị trường cuối năm, Công ty Vissan dự trữ 3.600 tấn thực phẩm tươi sống trong thời gian 45 ngày; nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn; Công ty C.P Việt Nam cung ứng vượt kế hoạch thành phố giao, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng thịt lợn; Công ty CP Ba Huân trữ đông 200 tấn thịt gà, tăng lượng cung ứng 20 tấn thịt gia cầm; Công ty San Hà trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà và tăng lượng cung ứng lên 200 tấn thịt gà/ngày, 25 tấn thịt lợn/ngày. |