Thị trường phân bón dự kiến còn nhiều biến động
Nga ngừng ưu đãi giá cho phân bón xuất khẩu sang Ấn Độ
Trong bối cảnh giá phân bón toàn cầu tăng do Trung Quốc đang cố gắng hạn chế lượng phân bón bán ra nước ngoài, các công ty Nga đã ngừng cung cấp các loại phân bón với giá chiết khấu cho Ấn Độ.
Hiện các công ty Nga đã ngừng cung cấp các loại phân bón, bao gồm phân vô cơ hỗn hợp thường được dùng trong nông nghiệp (di-ammonium phosphate- DAP) cho Ấn Độ với giá chiết khấu do nguồn cung toàn cầu thắt chặt, sau khi Nga trở thành nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Ấn Độ vào năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng, việc này có thể làm tăng chi phí nhập khẩu và gánh nặng trợ cấp của Ấn Độ, trong bối cảnh giá phân bón toàn cầu tăng, do nước xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc đang cố gắng hạn chế lượng phân bón bán ra nước ngoài.
Nhập khẩu phân bón của Ấn Độ từ Nga đã tăng 246% trong năm tài chính 2022 - 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2023), lên mức kỷ lục 4,35 triệu tấn, do các nhà cung cấp Nga chấp nhận giảm giá bán so với giá thị trường cho phân bón DAP, ure và NPK.
Điều này đồng thời cũng làm giảm thị phần tại Ấn Độ của các nhà xuất khẩu phân bón khác bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Jordan và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Một quan chức ngành công nghiệp phân bón Nga cho biết giá DAP hiện tại của Nga là khoảng 570 USD/tấn (bao gồm chi phí hàng hóa và cước phí vận chuyển - CFR) cho khách hàng Ấn Độ, bằng mức giá được đưa ra cho những khách hàng châu Á khác.
Tại Ấn Độ, hiện giá phân bón toàn cầu đã tăng mạnh trong hai tháng qua, khiến các công ty nước này gặp khó khăn trong việc dự trữ cho vụ Đông sắp tới khi nhu cầu về DAP cho vụ lúa mỳ tăng lên.
Vào tháng 7/2023, các nhà cung cấp phân bón toàn cầu đã chào giá phân urê ở mức khoảng 300 USD/tấn trên cơ sở CFR, nhưng hiện nay mức giá đang được báo là 400 USD/tấn.
Ở một diễn biến khác, Nga trở thành nhà cung cấp phân bón hàng đầu cho Hoa Kỳ và Đức.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2023, nhập khẩu phân bón từ Nga của Hoa Kỳ lập kỷ lục mới, đồng thời nước Đức cũng ghi nhận con số gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Mỹ, trong 7 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ nhập khẩu phân bón Nga với giá trị kỷ lục 944 triệu USD. Đây là mốc kỷ lục mới trong nhập khẩu phân bón Nga của Hoa Kỳ, so với mức 900 triệu USD năm 2022.
Với số liệu trên, Nga là nhà cung cấp phân bón lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ trong năm nay, chỉ đứng sau Canada. Kế tiếp là Saudi Arabia, Israel và Qatar là 3 quốc gia hàng đầu khác mà Mỹ nhập khẩu phân bón. Từ tháng 1 - 7/2023, Hoa Kỳ đã giảm 22% nhập khẩu phân bón, đạt tổng trị giá 6 tỷ USD.
Không chỉ riêng Hoa Kỳ, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức cũng tăng hơn 4 lần giá trị nhập khẩu mặt hàng phân bón của Nga chỉ từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023.
Hãng tin Berliner Zeitung trích dẫn các tính toán dựa trên dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) trong tuần đầu tháng 9/2023 cho thấy, Đức đã tăng cường nhập khẩu phân đạm từ Nga trong năm vừa qua bất chấp việc Berlin liên tục bày tỏ ý định tẩy chay quốc gia bị trừng phạt
Theo báo cáo, lượng mua phân bón Nga của nông dân Đức đã tăng vọt khoảng 334%, từ 38.500 tấn vào tháng 7/2022 lên 167.000 tấn tính đến tháng 6/2023.
Chỉ riêng nhập khẩu phân urê đã tăng 304% trong nửa đầu năm 2023 so với đến cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là tỷ trọng của Nga trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của nước này đã tăng từ 5,6% lên gần 18%.
Nga là nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu. Xuất khẩu phân bón của Nga không phải là mục tiêu trực tiếp của các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các hạn chế vẫn ảnh hưởng đến việc giao hàng, khiến lượng giao hàng giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường phân bón dự báo còn nhiều biến động
Trên thị trường thế giới, giá phân bón đã tăng trong hơn 1 tháng trở lại đây, nhất là giá ure. Theo báo cáo của Argus, tại thị trường Trung Quốc, giá ure nội địa ổn định và sản lượng xuất khẩu rất ít. Diễn biến này phù hợp với nội dung mới đây, Trung Quốc đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu ure.
Tại Brazil, Alexfert có một đợt bán mới với giá 430 USD/tấn Fob cho 6.000 tấn ure hạt đục cho lô hàng tháng 10. Trong khi đó, các thương nhân đang tiếp tục bán ure hạt đục với mức giá 400 - 410 USD/tấn Fob tại châu Âu.
Tại thị trường Ai Cập, một giao dịch nhỏ về ure hạt đục từ một tàu sắp cặp bến có mức giá 415 USD/tấn Cfr. Các giao dịch khác được ghi nhận với mức giá lên đến 420 USD/tấn Cfr.
Tại Mỹ, một sà lan giao hàng trong tháng 9 có mức giá bán 430 USD/tấn Fob.
Thị trường ure trong nước cũng ghi nhận tăng giá. Giá ure Cà Mau ngày 20/9 giao tại nhà máy là 11.200 đồng/kg. Ure Phú Mỹ giao tại Sài Gòn - Long An có giá 11.000 đồng/kg; Ure Ninh Bình giao tại nhà máy có giá 9.500 đồng/kg, Ure Hà Bắc giao tại nhà máy 9.900 đồng/kg.
Như vậy, giá ure trong nước cũng lên theo chiều tăng của giá thế giới.
Nhận định về thị trường phân bón trong thời gian tới, ông Lê Trọng Phúc, Công ty Cổ phần Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) cho rằng chắc chắn giá sẽ còn tăng tiếp. Sau khi Trung Quốc thắt chặt việc xuất khẩu phân bón, đến Nga bắt đầu có những động thái chọn lọc thị trường cung cấp phân bón của mình. Với việc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, động thái của Nga có tác động ngay lập tức đến thị trường phân bón toàn cầu. Giá phân bón thế giới tiếp tục theo chiều hướng tăng. Đồng thời với đó, giá phân bón trong nước cũng tăng theo.
Cảng xuất hàng của nhà máy Đạm Cà Mau |
Trong thời gian tới, giá phân bón vẫn tiếp tục tăng, theo ông Phúc bởi những lý do sau. Thứ nhất, là cước vận tải biển trong mấy tháng gần đây đã tăng 30% - 40%, gây tăng giá trực tiếp lên mặt hàng phân bón vì mặt hàng này chủ yếu vận chuyển bằng đường biển.
Thứ hai là việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, đồng thời với đó Nga cũng chọn lọc kỹ các thị trường xuất khẩu và thắt chặt ưu đãi.
Thứ ba, giá dầu tiếp tục tăng. Giá dầu dự kiến tiếp tục tăng. Giá dầu hiện đã vượt mốc 100 USD/thùng vào tuần qua. Các loại giá nông sản, lương thực cũng tăng trên toàn cầu.