Thứ hai 25/11/2024 07:05

Thị trường nội địa: Động lực tăng trưởng kinh tế 2024

Bên cạnh xuất nhập khẩu, đầu tư công thì thị trường nội địa sẽ là một trong ba yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 này.

Khai thác lợi thế sân nhà

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1/2024 ước đạt khoảng 524.115,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 12/2023 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2023 do trùng với Tết Nguyên đán Quý Mão nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tương đối cao, đạt 13,3% so với cùng kỳ năm 2022).

Người tiêu dùng mua sắm Tết tại siêu thị Aeon Hà Đông

Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 7,3% với sự gia tăng của nhóm lương thực, thực phẩm tăng 6,2%, nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 22,5%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%, các nhóm còn lại tăng 1,5 - 2,5%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,2%; du lịch lữ hành tăng 18,5% và dịch vụ khác tăng 11,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 tăng 5,8% so với tháng 1/2023.

Thị trường hàng hoá sôi động hơn trong tháng 1/2024 để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đến gần. Nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, hàng may mặc… tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình kinh tế khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn gần Tết năm nay không tăng cao như mọi năm. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên thị trường luôn dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Tại các địa phương, nhiều chương trình hội chợ, triển lãm, khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng được tổ chức để thúc đẩy sức mua trong dịp Tết.

Dự báo, triển vọng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu năm nay không có đột phá. Năm 2024, để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát 4 - 4,5%, khai thác hiệu quả thị trường nội địa được Chính phủ xác định là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2024 và thời gian tới.

Bởi với dân số hơn 100 triệu dân, trong đó, tầng lớp trung lưu được đánh giá đang ở mức cao với 20%, Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh lớn cho tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nội địa. Do đó, việc kết nối cung cầu; khuyến khích mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, chính là chìa khóa bảo đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới.

Đa dạng các giải pháp kích cầu

Khẳng định phải khai thác được thị trường trong nước, coi đó là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các chính sách khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam cần thực chất hơn nữa bằng chính sách thuế.

Cụ thể, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với lộ trình đủ dài thay vì giảm 6 tháng một lần nhằm tạo động lực cho thị trường. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để tạo hiệu ứng mạnh mẽ và đồng bộ.

Về phía các doanh nghiệp và nhà cung ứng dịch vụ cần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh thích ứng để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, giá cả hợp lý và chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó là các chính sách về khuyến mãi, hậu mãi thực sự chất lượng để giữ chân người mua hàng một cách lâu dài và tạo uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp.

“Kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất, trong đó, chú trọng gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hướng vào các doanh nghiệp nội địa” TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright gợi ý.

Còn theo ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường…

Về phía doanh nghiệp cần nắm bắt các cơ hội đến từ việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới để vận hành cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên, một số yếu tố có thể cải thiện tốt. Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ ‘dễ thở’ hơn khi nền kinh tế ổn định, CPI bình quân 2024 được dự báo sẽ dao động ở mức 3% - 3,6%. Đây có thể là một trong những yếu tố giúp tăng tiêu dùng.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định, năm 2024, thương mại, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Để kích thích tiêu dùng nội địa, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần thực hiện theo các giải pháp truyền thống mà cần gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu các bon. Bên cạnh đó, cần có hướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cải cách thể chế nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Tháo gỡ được những thách thức nói trên sẽ giúp nền kinh tế có thể “vượt cơn gió ngược” để khôi phục đà tăng trưởng bền vững.

Để góp phần bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ,...

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường trong nước

Tin cùng chuyên mục

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Thuế VAT đối với mặt hàng phân bón là cần thiết

Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài cuối - Những tiếng nói bắt nguồn từ thực tiễn

Giá xăng dầu dự báo giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày mai 14/11/2024

Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài 3 – Cần hài hòa lợi ích

Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài 2 -Góc nhìn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị từ chuyên gia

Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài 1: Những trăn trở từ đồng ruộng

Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón: Vẫn băn khoăn tăng hay giữ nguyên

Giá xăng dầu hôm nay ngày 7/11/2024: Giá xăng bật tăng trở lại, lên sát 21.000 đồng/lít

Giá xăng dự báo giảm lần thứ tư liên tiếp vào kỳ điều hành ngày mai 7/11/2024

Giá xăng dầu hôm nay ngày 31/10/2024: Xăng tiếp tục giảm gần 400 đồng/lít, giá dầu tăng

Giá xăng dầu dự báo tiếp tục giảm lần thứ ba liên tiếp vào kỳ điều hành ngày mai 31/10/2024

Thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón: Tiếp tục đề xuất tăng lên 5%

Thay đổi thời gian giao dịch của Hợp đồng Kỳ hạn tiêu chuẩn, Hợp đồng Quyền chọn hàng hóa tại MXV

Giá xăng dầu hôm nay ngày 24/10/2024: Giá xăng, dầu cùng giảm lần thứ hai liên tiếp

Giá xăng dầu dự báo tiếp tục giảm vào kỳ điều hành ngày mai 24/10/2024

Giá xăng dầu hôm nay ngày 17/10/2024: Giá xăng giảm về dưới 21.000 đồng/lít

Sau hai lần tăng, giá xăng dự báo giảm vào kỳ điều hành ngày mai 17/10/2024

Kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ cuối năm

Bộ Quốc phòng lên tiếng về lo ngại độc quyền bán pháo hoa dịp lễ, Tết

Giá xăng dầu hôm nay ngày 10/10/2024: Xăng tăng gần 1.300 đồng/lít; giá dầu cũng tăng mạnh