Thị trường mặt bằng bán lẻ “ế ẩm” do dịch Covid-19
Doanh thu sụt giảm mạnh
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong 2 tháng qua, nhiều lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh như sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch… đều gặp khó khăn. Tương tự, lĩnh vực bất động sản (BĐS) nói chung, mặt bằng bán lẻ nói riêng đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn kéo dài liên tục, khi doanh thu sụt giảm mạnh từ 50-80%.
Nhiều cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng trên một số tuyến đường kinh doanh sầm uất của TP. Hồ Chí Minh |
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường kinh doanh ăn uống tại các con đường tại TP. Hồ Chí Minh khá sôi động, tuy nhiên vẫn có sự cạnh tranh gay gắt. Đơn cử như mặt bằng các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại các con đường lớn như Lê Quý Đôn, An Dương Vương hay Phan Xích Long.. có giá thuê dao động từ 5.000 USD - 15.000 USD/căn nhà với tổng diện tích sử dụng từ 50 - 300 m2.
Do doanh thu sụt giảm mạnh, nhà hàng tạm thời ngưng kinh doanh |
Tuy nhiên, sau khi có dịch Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, các cửa hàng trưng biển khuyến mãi để thu hút khách hàng, nhưng doanh thu kinh doanh thương mại - dịch vụ vẫn sụt giảm tới 50% thậm chí 90% kéo dài liên tục từ sau Tết canh Tý đến nay. Bên cạnh giá thuê mặt bằng cao, các chủ của hàng còn phải trả chi phí nguyên vật liệu, vận hành, nhân sự, đầu tư… kết quả nhiều doanh nghiệp (DN), chủ của hàng không trụ nổi, phải quyết định tạm thời ngưng kinh doanh hoặc trả lại mặt bằng.
Tương tự, tại các Trung tâm thương mại (TTTM) cũng gặp rất nhiều khó khăn khi lượng khách vào thăm quan, ăn uống và mua săm giảm đến chóng mặt. Những trung tâm thương mại lớn, “hót” nhất cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này, lượng khách giảm tới 50-80% trong tháng 2. Việc sụt giảm lượng khách quá nhiều trong các TTTM, khiến nhiều cửa hàng đã có thông báo xin được hỗ trợ giảm tiền thuê từ chủ nhà, thậm chí một số cửa hàng thì xin rút khỏi trung tâm hoặc xin đóng cửa tạm thời.
Hiện có hàng trăm mặt bằng đang bị bỏ trống, treo biển cho thuê trên nhiều tuyến đường các quận trung tâm của TP. Hồ Chí Minh |
Giảm giá thuê mặt bằng vì dịch
Trước tình trạng này, một số trung tâm thương mại lớn đã có những hành động cụ thể để hỗ trỡ khách hàng vượt qua khủng hoảng. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup vừa công bố dành hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại.
Nhiều biển cho thuê mặt mọc lên trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận |
Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Chương trình được áp dụng từ tháng 2-4/2020 tại các trung tâm thương mại Moonlight Plaza (Thủ Đức), Saigon Mia (Bình Chánh)...
Theo Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm tốt nhất trong khoảng từ 20-40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn. Hưng Thịnh chấp nhận bị giảm doanh thu từ việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng, nhằm giúp các đối tác trong mùa dịch Covid-19.
Nhìn chung, một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn trung tâm của TP. Hồ Chí Minh đã chủ động giảm 10%-20% giá cho thuê so với hồi cuối năm 2019, nhằm chia sẻ khó khăn với người thuê do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay. Đa số những mặt bằng này do khách thuê cũ trả lại hoặc chủ nhà chưa tìm được khách thuê mới.
Một cửa hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 treo biển cho thuê |
Chị Nguyễn Quỳnh Trang chủ mặt bằng tại đường đường Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3 cho biết, mặt bằng của chị có tổng tích 100 m2, một trệt, một lầu đang cho thuê 5.000 USD/tháng, nhưng do tác động của dịch Covid-19 người thuê kinh doanh thua lỗ nên trả lại. Do không muốn để trống, chị đã treo biển cho thuê với giá 4.500 USD/tháng, mặt dù đã giảm giá nhưng hơn một tuần nay không có khách hỏi thuê.
Đánh giá về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối thị trường BĐS cho thuê, ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, giá thuê mặt bằng thời gian tới có thể thay đổi dựa vào điều kiện của thị trường. Chủ đầu tư thương mại cần xem xét những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê vượt qua khó khăn.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid 19 đã tác động mạnh mẽ tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội của Việt Nam. Đối với lĩnh vực BĐS nói chung, thị trường mặt bằng bán lẻ là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc các chủ đầu tư, chủ sở hữu BĐS cùng chung tay với khách thuê để vượt qua giai đoạn khó khăn là cần thiết và cần được ủng hộ.