Thị trường khách du lịch cao cấp: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Thị trường khách cao cấp còn dư địa lớn
Du lịch cao cấp, sang trọng (luxury tourism) là loại hình du lịch có tốc độ phát triển nhanh trong ngành du lịch toàn cầu, đem lại doanh thu cao và hiệu quả. Quy mô thị trường du lịch hạng sang toàn cầu trên 2.100 tỉ USD vào năm 2023, kỳ vọng thị trường sẽ đạt trên 3.000 tỉ USD vào năm 2032, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4% trong giai đoạn 2024-2032.
Đặc biệt, hiện nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm du lịch độc quyền và cá nhân hóa, khách du lịch cao cấp đang tìm kiếm các lựa chọn du lịch sang trọng, sẵn sàng chi trả để có được những sản phẩm, dịch vụ mà mình ưng ý. Theo đó, đây là tiềm năng, dư địa rất lớn để khai thác nhằm phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Để đón khách sang, ngành du lịch Việt Nam cần một hệ sinh thái cung cấp sản phẩm và dịch vụ cao cấp được phát triển một cách bài bản và đồng bộ. Ảnh: LuxGroup |
Trong 9 tháng năm 2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành du lịch có thể phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế trong năm nay, bằng với lượng khách năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Đặc biệt, chất lượng khách du lịch ngày càng tăng. Dù vậy, đánh giá cho thấy, lượng khách cao cấp với mức chi tiêu cao vẫn còn khiêm tốn.
Khách du lịch cao cấp là nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn nhiều lần so với du khách thông thường, chiếm khoảng 3-5% tổng lượng khách nhưng mang lại doanh thu đáng kể cho ngành du lịch. Việt Nam nổi tiếng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng và nền ẩm thực độc đáo. Đây là những yếu tố chính góp phần làm nên sức hút của du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế, đặc biệt là những khách hạng sang.
Từ góc độ doanh nghiệp du lịch chuyên đón, phục vụ khách cao cấp, ông Phạm Hà – CEO LuxGroup cũng nhìn nhận, gần đây, giới nhà giàu Ấn Độ thích du lịch và tổ chức đám cưới tại Việt Nam. Nhiều người nổi tiếng và siêu sao cũng đưa gia đình đến nghỉ dưỡng. Những nhóm nhỏ cũng chọn Việt Nam tổ chức hội nghị và sự kiện hạng sang. "Tuy nhiên, thị trường du lịch hạng sang vẫn còn rất nhỏ và cần có cách tiếp cận phù hợp"- ông Hà nói.
Vì vậy, trong bối cảnh ngành du lịch đang hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, việc đẩy mạnh khai thác phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp đang có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhận diện tệp khách hàng
Trước hết, để hút hút dòng khách sang trọng, du lịch Việt Nam phải nhận diện rõ được tệp khách khách này, đặc biệt là nhu cầu, sở thích của họ. Theo ông Phạm Hà, muốn tiếp cận khách hàng mục tiêu phải hiểu họ là ai, nhu cầu du lịch thế nào và những trải nghiệm nào Việt Nam có thể đáp ứng và là thế mạnh so với khu vực. Khách du lịch sang trọng có thể chia thành sáu nhóm với những đặc điểm về sở thích và chi tiêu khác nhau.
Thứ nhất là khách hàng sang trọng ưu biệt. Đây là phân khúc truyền thống nhất trong mảng khách hàng sang trọng như trường hợp tỉ phú Ấn Độ tổ chức đám cưới ở Phú Quốc mới đây. Thứ hai là nhóm khách hàng thích sang trọng. Không hẳn giàu có nhưng họ được xếp vào nhóm khách hàng sang trọng. Thứ ba là khách hàng thông minh. Đây là nhóm khách hàng thú vị nhưng đôi khi rất thử thách và khó tính đối với người bán.
Thứ tư là nhóm muốn khám phá sự sang trọng. Họ tìm kiếm các trải nghiệm mới là và sẵn sàng chi trả để có thể có một sản phẩm du lịch mà họ cho là lý tưởng. Nhóm thứ năm là khách hàng ngưỡng mộ sự sang trọng. Đây là kiểu người tiết kiệm tiền chứ không phải tiêu tiền, không sẵn sàng nuông chiều bản thân mình dù họ phải làm việc vất vả. Nhóm này không có nhiều tiềm năng. Thứ sáu là khách hàng sang trọng trẻ tuổi và bận rộn, một phân khúc mới đang tăng trưởng trong thế giới khách hàng sang trọng.
Như vậy, ông Phạm Hà cho hay, muốn đáp ứng được các nhu cầu của sáu đối tượng khách du lịch sang trọng trên, các doanh nghiệp lữ hành cần mang đến cho họ 5C gồm Culture (Văn hóa), Cuisine (Ẩm thực), Customization (Cá nhân hóa), Community (Cộng đồng), Content (Độc đáo). Các chương trình du lịch hội đủ năm yếu tố trên sẽ thu hút và làm hài lòng những du khách khó tính nhất.
Nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn kinh tế có trụ sở tại Singapore Oxford Economics, Liam Cordingley cũng nêu gợi ý, dịch vụ ẩm thực là một trong những động lực lớn thúc đẩy lựa chọn điểm đến của du khách. Trong đó, khách cao cấp là những người có tỷ lệ quan tâm đến ẩm thực nhiều hơn so với tệp khách trung lưu và bình dân.
Còn theo bà Huỳnh Thị Xuân Liên, đại diện Công ty Cao Fine Jewelry du khách quốc tế có thu nhập cao rất quan tâm đến sản phẩm thủ công cao cấp của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm làm từ nghệ nhân có tay nghề. Những du khách này sẵn sàng chi tiêu gấp ba lần so với khách thường. "Việt Nam có thể phát triển dòng sản phẩm mua sắm cao cấp như trang sức giống như cách Dubai đang làm"- theo bà Liên.
"Không chỉ các doanh nghiệp làm du lịch cần phải biết làm gì để đáp ứng được mong muốn của những vị khách du lịch sang trọng mà còn cần có sự tham gia của Chính phủ trong việc tháo gỡ các nút thắt nhiều năm nay cản trở sự phát triển của ngành du lịch nói chung và của phân khúc du lịch sang trọng nói riêng"- ông Phạm Hà nêu quan điểm.
Theo CEO LuxGroup, các nút thắt cần tháo gỡ gồm cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch hiệu quả. Trong đó, việc xóa bỏ những hạn chế, cấm cản để khuyến khích việc kết nối du lịch giữa các quốc gia, giữa các vùng miền và các tuyến đường gồm đường không chỉ hàng không, đường bộ, đường sắt mà còn cả đường biển, đường sông. Cơ sở hạ tầng trước tiên phải phục vụ du lịch. Cấm các dự án huỷ hoại thiên nhiên, môi trường, phá tài nguyên du lịch.
Đồng thời, ông Phạm Hà nhấn mạnh, sản phẩm du lịch là vấn đề then chốt nhất trong bốn nút thắt cần mở tung của ngành du lịch Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và chất lượng. "Hiện đang thừa các sản phẩm giống nhau và thiếu các sản phẩm độc đáo. Khách du lịch cao cấp cần những sản phẩm cao cấp đáp ứng cao nhất những nhu cầu và mong muốn của họ. Những sản phẩm mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu"- ông Phạm Hà cho hay.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch cao cấp, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế; góp phần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Theo đó, việc phát triển du lịch cao cấp được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. |