Thứ năm 28/11/2024 05:22

Thị trường hàng hóa ngày 11/8: Lạm phát hạ nhiệt, hàng hoá nguyên liệu bật tăng

Thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực khi có khoảng 75% các mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số MXV-Index nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa hôm nay dòng tiền đầu tư đã được phân bổ mạnh mẽ và đồng đều hơn vào các nhóm nông sản, kim loại và năng lượng. Điều này không chỉ giúp chỉ số MXV-Index ghi nhận mức tăng 1,44% lên 2.620 điểm, mà còn giúp giá trị giao dịch toàn Sở bật tăng 10%, đạt mức hơn 3.800 tỷ đồng.

Tâm điểm của thị trường trong ngày hôm qua hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ. Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt có thể giúp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn quá mạnh tay trong các đợt tăng lãi suất sắp tới. Kỳ vọng này cũng khiến cho đồng USD hạ nhiệt và hỗ trợ cho giá hàng hoá nói chung đặc biệt là đối với các mặt hàng năng lượng và kim loại. Chỉ số Dollar Index giảm về 105,2 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng.

Giá dầu hồi phục, nhu cầu tiêu thụ được cải thiện tại Mỹ

Sắc xanh quay trở lại thị trường dầu thô với giá dầu WTI tăng 1,58% lên 91,93 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,13% lên 97,40 USD/thùng.

Thị trường trải qua một phiên giao dịch sôi động hơn trong bối cảnh rất nhiều tin tức quan trọng được công bố. Các chỉ số lạm phát của Mỹ và Trung Quốc được công bố trong ngày hôm qua đều thấp hơn so với kỳ trước và cả những dự báo, cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh của lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7, vốn được nhà đầu tư quan tâm nhất, tăng 8,5% so với năm trước, thấp hơn so với dự báo trước đó là 8,7%.

Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi những số liệu về việc nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu cải thiện trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tiêu thụ xăng đã tăng lên 9,12 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 5/8, và cũng cao hơn so với mức trung bình của 4 tuần là 8,86 triệu thùng/ngày.

Có thể thấy, chi phí năng lượng giảm đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng. Dữ liệu từ GasBuddy cho thấy giá xăng trung bình của Mỹ giảm xuống dưới 4 USD/gallon (3,79 lít) lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3 năm nay, mức trung bình trên toàn quốc hiện đã giảm xuống mức 3,99 USD/gallon. Báo cáo của EIA cũng chỉ ra tồn kho xăng giảm 5 triệu thùng trong tuần trước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy một vài thông tin hạn chế đà tăng của giá dầu như mức tồn kho dầu thô thương mại tăng 5,5 triệu thùng và nguồn cung dầu trong tuần qua của Mỹ tăng lên 12,2 triệu thùng, cao hơn mức trung bình của 4 tuần là 12.075 triệu thùng. Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung toàn cầu đã giảm bớt phần nào khi mà công ty điều hành đường ống Transneft PJSC khôi phục dòng chảy dầu trên đường ống Druzhba, vốn bị gián đoạn trước đó do các vấn đề thanh toán.

Nhóm kim loại đồng loạt tăng giá

Lực mua cho thấy xu hướng áp đảo trên thị trường kim loại. Kim loại quý là bạc và bạch kim đều đóng cửa trong sắc xanh. Giá bạc phục hồi 1,27% lên mức 20,74 USD/ounce. Bạch kim ghi nhận mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 6 đến nay, sau khi tăng 1,4% lên mức 946,1 USD/ounce.

Giá ngay lập tức tăng vọt ngay khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố do các nhà đầu tư kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thu hẹp mức tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9. Đồng đôla Mỹ giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng qua cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý do chi phí nắm giữ vật chất thấp hơn.

Tuy nhiên, các chủ tịch FED tại nhiều bang vào hôm qua đã nhấn mạnh rằng, lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm vẫn chưa chậm lại và đẩy lùi nhận thức rằng FED đang chuyển hướng sang giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ ít tích cực hơn. Điều này cũng đã ngăn cản đà tăng đối với bạc và bạch kim vào cuối phiên.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX đã có phiên tăng 1,78% lên mức 3,64 USD/pound, mức cao nhất trong vòng 5 tuần sau dữ liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ. Bên cạnh đó, việc các lò luyện đang hoàn tất quá trình bảo trì từ tháng 7 tại Trung Quốc cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng do nhu cầu đầu vào tăng lên. Trong khi đó, tồn kho vẫn duy trì ở mức thấp. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải liên tục giảm, hiện đang ở mức 4.053 tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay. Tồn kho trên Sở LME cũng đang giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6. Điều này cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng trong phiên.

Giá niken LME bật tăng mạnh 4,31% trước thông tin Tesla đã ký hợp đồng 5 năm với các công ty chế biến niken hoạt động tại Indonesia, trị giá khoảng 5 tỷ USD, để thu mua kim loại này phục vụ cho dây chuyền sản xuất pin ô tô.

Cà phê bật tăng trước lo ngại nguồn cung bị thu hẹp ở Brazil

Hai mặt hàng cà phê dẫn dắt xu hướng của nhóm Nguyên liệu công nghiệp khi đóng cửa Arabica tăng gần 4% và Robusta tăng hơn 2%. Nguyên nhân lý giải cho sự bật tăng mạnh mẽ này đến từ lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn khi tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil vẫn chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng như mức trung bình 5 năm, đã kéo theo xuất khẩu 2 mặt hàng này trong tháng 7 đồng loạt suy yếu.

Thêm vào đó, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US vẫn tiếp tục đà giảm với mức thâm hụt 18.200 bao (60kg), xuống còn 591.959 bao, thấp nhất trong vòng hơn 23 năm qua. Đồng Real tăng trở lại cũng là một yếu tố hạn chế lực bán từ nông dân Brazil và thúc đẩy đà tăng của giá.

Bông cũng có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trước lo ngại về nguồn cung tại Mỹ khi chất lượng mùa vụ trong báo cáo Crop Progress mới nhất có sự sụt giảm mạnh, tỷ lệ tốt - tuyệt vời chỉ đạt 31%, mức thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm gần nhất. Thêm vào đó, đà tăng trong phiên hôm qua còn nhận được sự hậu thuẫn từ giá dầu thô thế giới tăng hơn 1%, đã khiến polyester, chất thay thế chính của bông khởi sắc và kéo theo bông.

Ở hướng ngược lại, nguồn cung nới lỏng tiếp tục trở thành yếu tố chính tác động đến lực bán chiếm ưu thế đối với dầu cọ trong phiên hôm qua. Cụ thể, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ từ Malaysia trong 10 ngày đầu tháng 08 đạt gần 365 nghìn tấn, tăng 10,5% so với mức 330 nghìn tấn cùng kỳ tháng 7 khi sản lượng gia tăng và tồn kho vào cuối tháng 7 ở mức cao nhất trong 8 tháng trở lại đây.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế khi Nhật Bản dự kiến tăng lạm phát trong năm nay lên trên 3% và CPI trong tháng 7 tại Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 2 năm qua đã khiến thị trường chứng khoán châu Á suy yếu và dấy lên lo ngại sụt giảm nhu cầu tiêu thụ cao su tại 2 thị trường lớn, từ đó tác động tích cực lên giá.

Lê Na
Bài viết cùng chủ đề: lạm phát

Tin cùng chuyên mục

Dự báo giá tiêu ngày mai 28/11/2024: Giá tiêu trong nước tăng cao, vượt mốc 142.000 đồng/kg?

'Chợ mạng' nhộn nhịp mua bán vàng bất chấp rủi ro tiềm ẩn

Nhận định về giá cà phê ngày mai 28/11/2024: Giá cà phê sẽ tăng nhẹ và dần tiến đến ổn định giá

Giá vàng chiều nay 27/11/2024: Vàng trong nước nhích nhẹ

Hà Nội: Cây thông thật ‘cháy’ hàng trước lễ Giáng sinh

Giá xăng dầu dự báo tăng trong kỳ điều hành ngày mai 28/11/2024

Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/11: Gạo thơm đẹp giá cao, lúa tươi giá tăng mạnh

Giá vàng nhẫn hôm nay đảo chiều tăng

Thị trường hàng hóa hôm nay 27/11: Giá ngô nối dài chuỗi suy yếu

Giá heo hơi hôm nay 27/11/2024: Một số địa phương biến động trái chiều

Giá bạc hôm nay 27/11/2024: Bạc suy giảm do vai trò trú ẩn bị thất thế

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 27/11/2024: Đồng Yen Nhật bất ngờ tăng nhẹ

Giá cà phê hôm nay 27/11/2024: Giá cà phê trong nước đạt mức kỷ lục mới

Giá tiêu hôm nay 27/11/2024: Giá tiêu đi ngang, trung bình 140.700 đồng/kg

Tỷ giá USD hôm nay 27/11/2024: Chỉ số USD Index ở mức 106,87

Giá xăng dầu hôm nay 27/11/2024: Kéo dài đà giảm

Giá vàng hôm nay 27/11/2024: Vàng rơi vào thế giằng co

Dự đoán giá vàng ngày mai 27/11/2024: Liệu giá vàng có ngừng đà giảm sâu?

Nhận định về giá cà phê ngày mai 27/11/2024: Giá cà phê tiếp tục chạm đỉnh

Giá vàng chiều nay 26/11/2024: Giảm tới 1,3 triệu đồng mỗi lượng