Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 4/9/2023: Giá dầu cao nhất 9 tháng, bông đón nhận lực mua tích cực Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/9/2023: Giá dầu tiếp tục tăng, thị trường kim loại gặp sức ép |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua ngày 5/9, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá, chia sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,22% lên 2.302 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.700 tỷ đồng.
Nhìn chung, thị trường kim loại, đặc biệt là kim loại quý chịu sức ép bán tương đối mạnh do sự mạnh lên của đồng USD trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, lực mua tích cực trên thị trường năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số hàng hoá chung MXV-Index chốt ngày trong sắc xanh. Tâm điểm toàn thị trường hướng về giá dầu thô.
Dầu Brent chính thức cán mốc 90 USD/thùng, cao nhất trong 9 tháng
Kết thúc ngày giao dịch 5/9, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp, sau khi tăng gần 1% và đóng cửa với mức giá 86,69 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022. Dầu Brent chốt phiên trên 90 USD/thùng, tăng 1,17% so với phiên trước đó và là mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng.
Bảng giá Năng lượng |
Thông báo gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm của Saudi Arabia và Nga làm dấy lên lo ngại khả năng thiếu hụt trong mùa đông cao điểm. MXV cho biết, đây là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết quốc gia này dự kiến sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12 năm nay. Điều này gây ra bất ngờ khá lớn khi trước đó, thị trường cho rằng Saudi Arabia sẽ thông báo gia hạn kế hoạch này trong tháng 10.
Như vậy, sản lượng của nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia trong 3 tháng cuối năm 2023 dự kiến sẽ đạt mức khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Thêm vào đó, Nga cũng cho biết sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện bổ sung nguồn cung dầu cho thị trường thế giới thêm 300.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 12/2023. Trước đó Nga đã cam kết tự nguyện giảm xuất khẩu 500.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8 và 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 9.
Dầu Brent chính thức cán mốc 90 USD/thùng |
Hợp đồng tương lai Brent tháng trước được giao dịch vào ngày 5/9 ở mức cao hơn 4,37 USD/thùng so với giá kỳ hạn 6 tháng, mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Đối với hợp đồng tương lai WTI của Mỹ, chênh lệch giữa hợp đồng tháng trước và hợp đồng 6 tháng đã tăng lên tới 4,88 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Giá dầu kỳ hạn gần cao hơn khuyến khích các nhà sản xuất và thương mại bán dầu từ kho dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu ngắn hạn. Đồng thời, giá dầu tăng cao cũng khiến giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng, trong bối cảnh nhu cầu khá tích cực.
Giá xăng tại Mỹ hiện đang ở mức 3,8 USD/gallon, mức cao nhất theo mùa trong hơn một thập kỷ ngay khi kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động đánh dấu sự kết thúc của mùa lái xe cao điểm ở Mỹ. Mức trung bình 10 năm chỉ đạt khoảng 3 USD/gallon. Đây sẽ là những thách thức tiềm ẩn cho Chính phủ Mỹ và các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới trong tiến trình kiểm soát lạm phát.
Nhóm đậu tương “chìm trong sắc đỏ”
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, khép lại ngày giao dịch 5/9, đi ngược xu hướng chung của thị trường nông sản, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.
Bảng giá nông sản |
Cụ thể, giá đậu tương suy yếu với mức giảm không đáng kể và ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Nhìn chung, thị trường đậu tương vẫn duy trì diễn biến tương đối giằng co quanh mức tham chiếu trong suốt ngày giao dịch hôm qua. Lực bán đã dần được đẩy mạnh và duy trì thế áp đảo trong phiên tối, bất chấp việc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo có thêm đơn hàng đậu tương niên vụ mới từ Mỹ sang một nước giấu tên trong báo cáo bán hàng mới nhất.
Trong báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua, số liệu giao hàng đậu tương trong tuần cuối cùng của niên vụ 22/23 đạt mức trên 378.590 tấn, tăng nhẹ so với mức hơn 326.000 tấn tấn trong tuần trước đó. Như vậy, tổng lũy kế giao hàng đậu tương niên vụ 22/23 chỉ xấp xỉ 52,3 triệu tấn, thấp hơn mức 53,9 triệu tấn mà USDA đưa ra trong báo cáo tháng 8. Do vậy, nhiều khả năng tồn kho đậu tương sẽ được điều chỉnh tăng trong báo cáo tới.
Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào từ Nam Mỹ cũng góp phần gây sức ép lên giá đậu tương CBOT trong phiên hôm qua. Stone X dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 163,63 triệu tấn, tăng 156.000 tấn so với dự báo hồi tháng 08, nhờ diện tích gieo trồng mở rộng. Tổng diện tích trồng đậu tương ở Brazil ước đạt 45,14 triệu ha, tăng khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.
Sắc đỏ cũng bao trùm hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu tương. Bên cạnh chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá đậu tượng, việc tồn kho khô đậu Mỹ tăng vọt gần 27% trong tháng 7 cũng tạo áp lực lên giá của mặt hàng này.
Đối với dầu đậu, kỳ vọng thỏa thuận biển Đen được nối lại đã gây áp lực lớn và khiến giá của mặt hàng giảm mạnh kể từ khi mở cửa. Ông Putin cho biết Nga sẽ quay lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ngay khi phương Tây gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu nông sản của Nga ra thị trường thế giới. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống nước này mới đây cho biết kỳ vọng của Nga đã được các bên nắm bắt. Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc đã nghiên cứu một gói đề xuất mới nhằm xoa dịu những lo ngại của Nga.
Ngoài ra, việc tồn kho dầu cọ cuối tháng 8 của Malaysia có thể tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng do sản lượng cao trong khi xuất khẩu chậm lại, cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá dầu đậu trong phiên hôm qua.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
Bảng giá kim loại