Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Dầu thô lao dốc phiên thứ năm liên tiếp, giá kim loại tăng
Giá dầu giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Thông tin từ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu hôm nay biến động theo hướng trong hai mặt hàng, giá dầu thô WTI biến động mạnh hơn trong phiên hôm qua, bởi thị trường chịu ảnh hưởng từ tin tức đường ống vận chuyển Keystone, liên kết các mỏ dầu ở Canada với các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã phải tạm ngừng hoạt động do sự cố rò rỉ dầu.
Đây là một đường ống quan trọng, có thể vận chuyển tới hơn 600.000 thùng/ngày, và bất kỳ sự gián đoạn kéo dài nào, gần như chắc chắn sẽ làm giảm dự trữ dầu thô của Mỹ. Các kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, trung tâm lưu trữ lớn nhất quốc gia này, đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm theo mùa.
Tin tức này đã khiến cho giá dầu WTI tăng vọt lên 75 USD/thùng trong thời gian ngắn, tuy nhiên, sau đó giá đã giảm trở lại vì các nhà đầu tư kỳ vọng sự gián đoạn này chỉ mang tính tạm thời.
Bên cạnh đó, thị trường cũng tin rằng Mỹ có đủ lượng hàng dự trữ để giải quyết sự cố này, nhất là trong bối cảnh báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng.
Triển vọng tiêu thụ tiêu cực đang lấn át những lo ngại về nguồn cung, bởi những nguy cơ suy thoái trong năm 2023 vẫn đang hiện hữu, trong khi nguồn cung có thể tăng lên. Hai công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ là Exxon Mobil và Chvron sẽ tăng chi tiêu cho các dự án năng lượng trong năm tới.
Mặc dù chi tiêu nhiều hơn nhưng Exxon cho biết sản lượng có thể vẫn duy trì ở mức 3,7 triệu thùng/ngày trong năm tới, còn Chevron ước tính sản lượng sẽ có mức tăng trung bình gộp hàng năm cho tới năm 2026 lớn hơn 3%.
Ngoài các tin tức trên, thị trường cũng quan tâm tới những tác động từ chính sách áp giá trần của nhóm G7 với dầu thô của Nga. Các lệnh trừng phạt này đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng ở các eo biển thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có khoảng 26 tàu chở dầu bị mắc kẹt do các quy tắc mới yêu cầu chủ sở hữu cung cấp bằng chứng tàu của họ được bảo hiểm để được quá cảnh. Các quan chức phương Tây đang đàm phán với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề này.
Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ tăng 4,18% vào do dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm cao hơn trong hai tuần tới. Các nhà phân tích dự báo kho dự trữ khí đốt của Mỹ đã giảm 31 tỷ feet khối (trong tuần kết thúc vào ngày 2/12. Nếu ước tính đúng, mức giảm của tuần trước sẽ làm giảm lượng dự trữ xuống còn 3.452 nghìn tỷ feet khối, thấp hơn 1,9% so với mức trung bình 5 năm là 3.520 nghìn tỷ feet khối.
Giá khí tăng bất chấp việc Freeport LNG đã thông báo vào tuần trước rằng họ có kế hoạch trì hoãn việc khởi động lại nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Texas từ giữa tháng 12 đến cuối năm. Sự chậm trễ sẽ làm giảm khối lượng LNG xuất khẩu xuống dưới mức kỷ lục đạt được vào tháng 3 và giữ lại nhiều khí đốt hơn để phục vụ nhu cầu trong nước.
Kim loại cơ bản đón nhận lực mua tích cực trước kỳ vọng hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Trung Quốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/12, ngoại trừ đà giảm 5,46% của giá Niken LME sau khi tăng vọt hơn 7% trong phiên trước đó, các mặt hàng còn lại trong nhóm đều đón nhận lực mua tích cực. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tiếp tục mức tăng mạnh 1,41% lên 23,24 USD/ounce. Bạch kim chốt phiên với mức tăng nhẹ 0,31% lên mức 1014,6 USD/ounce.
Trên thị trường lao động Mỹ, dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu chỉ tăng nhẹ 4.000 lên mức 230.000 trong tuần qua, đúng như dự đoán của thị trường. Dữ liệu không tạo ra quá nhiều sự bất ngờ đã khiến dòng tiền quay trở lại thị trường tài chính. Việc làm tại Mỹ mặc dù vẫn đang ở mức tích cực, song cũng đã xuất hiện một vài áp lực nhất định. Số người có việc trong ngành dịch vụ tăng lên nhưng đối với lĩnh vực sản xuất, việc làm đang có xu hướng giảm. Điều này củng cố cho niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất chậm lại ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần tới, thận trọng tránh rủi ro suy thoái. Điều này khiến cho đồng Dollar Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim do áp lực chi phí nắm giữ giảm bớt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng tăng cường nắm giữ kim loại quý như một tài sản mang tính trú ẩn trong khi chờ đợi loạt dữ liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ và cuộc họp lãi suất của Fed trong tuần tới.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, gần như toàn bộ các mặt hàng đều kết phiên trong sắc xanh trước kỳ vọng về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới. Theo Bloomberg, chính quyền Trung Quốc có thể tiếp tục có những biện pháp nới lỏng đối với chính sách bất động sản trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên diễn ra vào ngày 15/12 sắp tới, sau khi các quan chức cho biết họ sẽ tìm kiếm một bước ngoặt cho nền kinh tế Trung Quốc cho năm 2023. Giá kim loại cơ bản, đặc biệt là quặng sắt đã phản ứng tích cực trước thông tin này, ghi nhận mức tăng 2,77% lên 109,04 USD/tấn.
Đồng COMEX cũng đón nhận lực mua tích cực với mức tăng 0,6% lên 3,88 USD/pound, trong khi đồng LME tăng mạnh hơn ở mức 1,02% lên 8543 USD/tấn. Truyền thông Trung Quốc CCTV dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường vào hôm qua cho biết sự thay đổi trong chính sách sẽ cho phép nền kinh tế nước này tăng tốc. Kỳ vọng nhu cầu đồng tăng lên khi nền kinh tế dần phục hồi, khiến Goldman Sachs dự đoán giá kim loại này có thể đạt mức kỷ lục 11.000 USD/tấn trong một năm nữa.