Thị trường hàng hóa hôm nay 4/2 và nhìn lại tuần qua: Giá dầu giảm, giá thép và cà phê tăng
Giá dầu duy trì đà giảm
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô duy trì đà giảm từ đầu tuần. Mở đầu tuần mới, giá dầu thô WTI giảm 2,23% về 77,90 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 1,23% về 85,59 USD/thùng.
Giá dầu tuần vừa qua liên tục giảm |
Kết thúc ngày 31/01, giá dầu thô WTI tăng 1,25% lên 78,87 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,22% lên 85,53 USD/thùng.
Đến phiên giao dịch đầu tháng 2, giá dầu bất ngờ giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua, với dầu WTI giảm 3,12% xuống 76,41 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 3,07% xuống 82,8 USD/thùng. Bức tranh nhu cầu chưa có sự cải thiện tích cực, trong khi nguồn cung không có nhiều sự thay đổi đã kéo giá dầu suy yếu trong phiên.
Phiên cuối tuần, giá dầu thô WTI giảm 0,69% về 75,88 USD/thùng, và giá dầu thô Brent giảm 0,89% về 82,10 USD/thùng.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát ra các tín hiệu sẽ ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới, tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện, khiến dòng vốn lại được phân bổ nhiều vào các loại tài sản rủi ro, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ. Các thông tin về nguồn cung chưa mang lại nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư, vì thế, thị trường dầu có phần lép vế trước các cổ phiếu tăng trưởng.
Các nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm tới các thông tin về lệnh cấm vận sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Ủy ban châu Âu đã đề xuất vào tuần trước rằng từ ngày 5/2, EU áp dụng mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa nhận được sự nhất trí giữa 27 quốc gia thành viên, nên hôm nay, các nhà chức trách sẽ họp và tìm kiếm một thỏa thuận về việc thiết lập mức giá trần với các sản phẩm lọc dầu của Nga.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tiếp nối Fed và nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp thêm 50 điểm cơ bản lên mức 4,00%. Các quan chức cũng chuẩn bị cho việc nền kinh tế Anh có thể đối mặt với một đợt suy thoái ngắn sau thời gian dài chiến đấu với cuộc khủng hoảng năng lượng và áp lực lạm phát.
Có thể thấy, những lo ngại về nguy cơ sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại khu vực châu Âu đang lấn át những nỗi lo về nguồn cung, và làm gia tăng sức ép bán lên thị trường dầu.
Giá cà phê khởi sắc
Cũng theo MXV, với mức tăng 5,61%, cà phê Robusta đã nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức 2.053 USD/tấn, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Lực bán suy yếu khi nông dân tại Việt Nam, nước cung ứng lớn nhất ở thời điểm hiện tại nghỉ Lễ Tết nguyên đán cùng với tồn kho Robusta đạt chuẩn trên Sở ICE UK tiếp tục giảm dù đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm là những nhân tố giúp giá duy trì được sự khởi sắc trước đó.
Giá cà phê tăng |
Ngày 31/01, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi Araica có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 6 tháng.
Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 8 liên tiếp và chạm mức cao nhất trong hơn 3 tháng trở lại đây nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tích cực hơn trong thời gian tới. Mới đây Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,9%, cao hơn 0,2% so với dự đoán trước, điều này giúp thị trường có cái nhìn tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ cà phê, mặt hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của các nền kinh tế. Hơn nữa, số liệu tăng trưởng trong quý IV/2022 của Mỹ đạt 2,9%, cao hơn mức dự đoán 2,6% của các chuyên gia, cũng như số liệu PMI tăng từ 47 vào tháng 12/2022 lên 50,1 vào tháng 01/2023 của Trung Quốc càng củng cố cho kỳ vọng tiêu thụ sẽ hồi phục mạnh mẽ, từ đó hỗ trợ giá bật tăng gần 7% trong phiên hôm qua.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ trước đó, giá Robusta đã nhanh chóng trở lại đà tăng vào phiên hôm qua với mức tăng 3,44% khi lực bán từ phía nông dân Việt Nam vẫn còn khá yếu. Theo các chuyên gia nhận định, mức trừ lùi của cà phê xuất khẩu Việt Nam đang ở mức khá cao đã làm hạn chế nhu cầu đẩy hàng ra ngoài của nông dân nước này. Lực bán thấp trong khi Việt Nam đang là quốc gia cung ứng hàng đầu tại thời điểm này đã dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá Robusta bật tăng trở lại.
Ở thị trường nội địa, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2023 của nước ta ước tính đạt 160.000 tấn, giảm gần 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước tính rơi vào khoảng 352 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau năm 2022 với xuất khẩu và kim ngạch đạt mức kỷ lục, 2023 được dự đoán sẽ là năm khá khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu khi sản lượng được dự đoán có phần suy yếu do ảnh hưởng xấu từ thời tiết và nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ giảm nhẹ trước những lo ngại về suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ lớn.
Giá thép nội địa điều chỉnh tăng 3 lần kể từ đầu năm nay
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thép xây dựng tiếp tục đi ngang sau 2 ngày tăng liên tiếp trước đó vào cuối tháng 1. Như vậy, kể từ đầu năm nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 3 lần điều chỉnh tăng. Theo đó, sau điều chỉnh giá thép cuộn CB240 dao động trong khoảng 15.370 – 15.450 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở khoảng 15.420 – 15.530 đồng/kg.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 01 vừa qua, cả nước ta đã xuất khẩu 353,6 nghìn tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 243,9 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên, trị giá vẫn thấp hơn gần 50% so với 15 ngày đầu tháng 01 năm 2022 do giá xuất khẩu vẫn chưa thể nhanh chóng phục hồi trở lại.
Giá khô đậu tương tiệm cận mức cao nhất lịch sử
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/02, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Giá đậu tương bật tăng ngay khi mở cửa và duy trì đà tăng nhẹ. Lo ngại về tiến độ mùa vụ tại Brazil tiếp tục đang là thông tin hỗ trợ giá trong ngày hôm qua.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn AgRural, tiến độ thu hoạch đậu tương tại Brazil tính tới cuối tuần trước đạt 5% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và trung bình lịch sử. Thời tiết ẩm ướt do mưa lớn và thường xuyên tại khu vực miền trung nước này tiếp tục trì hoãn hoạt động thu hoạch sớm và dự báo sẽ có mưa nhiều hơn trong tuần này ở miền trung Brazil. Tuy vậy, mưa có thể giảm bớt trong tuần tới và thời tiết khô nóng hơn sẽ giúp đậu tương chín nhanh cũng như thúc đẩy việc thu hoạch của nông dân. Việc thu hoạch bị trì hoàn cũng là nguyên nhân góp phần khiến nguồn từ Brazil sụt giảm trong tháng trước.
Theo số liệu từ Ban thư ký ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 0,85 triệu tấn trong tháng 01, thấp hơn so với mức 2,02 triệu tấn trong tháng 12 và mức 2,45 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tồn kho đậu tương của Brazil nhiều khả năng đang ở mức thấp và có thể giúp cho Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn. Thông tin trên cũng đã góp phần hỗ trợ giá.