Thị trường hàng hoá hôm nay 15/4 và nhìn lại tuần qua: Giá dầu thô chững lại, giá cà phê bật tăng
Giá dầu thô chững lại
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), sắc đỏ quay lại thị trường dầu thô trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu WTI giảm 1,19% về 79,74 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,10% về 84,18 USD/thùng.
Thị trường hàng hóa ngày 29/7: Lực mua tiếp tục xu hướng áp đảo |
Tiếp sau đó, giá dầu bất ngờ bật tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/4 sau khi liên tiếp ghi nhận các phiên biến động giằng co, tuy nhiên vẫn chưa bứt phá khỏi vùng đi ngang. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,24% lên mức 81,53 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay. Dầu Brent tăng 1,7% lên mức 85,61 USD/thùng.
Lực mua chủ yếu được thúc đẩy do đồng USD yếu hơn sau 4 phiên tăng liên tiếp đã hỗ trợ cho chi phí nắm giữ dầu, và nguồn cung vẫn là mối lo ngại lớn, đặc biệt là từ Nga, bất chấp triển vọng kinh tế kém sắc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/04, giá dầu phá vỡ khoảng đi ngang, ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi báo cáo lạm phát Mỹ tháng 3 có dấu hiệu hạ nhiệt, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tạm dừng tăng lãi suất. Tâm lý cho rằng áp lực của nền kinh tế giảm bớt đã kéo giá dầu WTI tăng hơn 2,12% lên mức 83,26 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,01% lên mức 87,33 USD/thùng.
Đến cuối tuần, đà tăng của giá dầu đã chững lại sau hai phiên tăng liên tiếp, với giá dầu thô WTI giảm 1,32% về 82,16 USD/thùng và giá dầu thô Brent giảm 1,42% về 86,09 USD/thùng.
Sau khi đi ngang trong phiên sáng, sức ép bán được gia tăng từ đầu phiên tối, khi mà thị trường đón nhận thông tin từ báo cáo sao báo cáo tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Cụ thể, trong báo cáo mới công bố, OPEC vẫn giữ nguyên ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu thô của thế giới trong năm 2023 sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày lên mức 101,9 triệu thùng/ngày. Báo cáo cũng lưu ý về những rủi ro đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, và cũng là triển vọng tiêu thụ đối với dầu thô như áp lực lãi suất cao để kìm hãm lạm phát và sự ổn định của thị trường tài chính.
Về phía nguồn cung, sản lượng của Nga được dự báo sẽ giảm về dưới 10 triệu thùng kể từ quý III năm nay, tuy nhiên sản lượng trung bình trong năm 2023 không đổi, vẫn ở mức 10,28 triệu thùng.
Giá kim loại quý tăng
Đối với nhóm kim loại, trong khi các mặt hàng kim loại niêm yết trên Sở London nghỉ giao dịch trong ngày Lễ Phục sinh, các kim loại còn lại đều kết phiên trong sắc đỏ. Lo ngại Fed vẫn sẽ tiếp tục đợt tăng lãi suất vào đầu tháng 5 đã khiến đồng USD mạnh lên, và gây áp lực tới nhóm mặt hàng này.
Đối với nhóm kim loại quý, ngày 11/4, giá vàng đánh mất mốc 2.000 USD/ounce sau khi giảm 0,9% xuống còn 1989,96 USD/ounce. Lực bán mạnh vào cuối phiên đã kéo giá bạc giảm 0,72% xuống 24,91 USD/ounce. Bạch kim dẫn đầu đà giảm trong nhóm, chốt phiên tại mức giá 1.003 USD/ounce sau khi giảm 1,37%.
Sức mua tiếp tục áp đảo giúp cho sắc xanh duy trì trên bảng giá kim loại trong phiên 12/04. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,08% lên 25,46 USD/ounce. Giá bạch kim tăng mạnh nhất nhóm, 2,23%, lên 1027,5 USD/ounce.
Sự suy yếu của đồng USD tiếp tục là yếu tố thúc đẩy đà tăng của nhóm kim loại quý. Chỉ số Dollar Index giảm về 101,5 điểm, mức thấp nhất trong vòng một tuần. Đồng bạc xanh giảm giá sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 3 được công bố cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt rõ ràng hơn. Cụ thể, chỉ số CPI chỉ tăng 0,1% so với tháng 2, và cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, và đều thấp hơn dự báo. Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,4% theo tháng và 5,6% theo năm. Các chỉ số này cũng không cao hơn so với dự báo. Thu nhập thực tế của người dân Mỹ giảm 0,1% so với tháng 2.
Các số liệu lạm phát tích cực của Mỹ khiến cho thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Công cụ theo dõi của CME cho thấy xác suất cho kịch bản Fed không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 đã tăng vọt lên 70,4%, hoàn toàn áp đảo so với kịch bản tăng 25 điểm cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc triển vọng tăng của đồng USD không còn nhiều, đồng thời, giá các mặt hàng kim loại nói chung, và kim loại quý nói riêng đều được hưởng lợi khi mà chi phí đầu tư và kinh doanh hàng vật chất đều giảm.
Giá cà phê bật tăng cao
Ngày 12/4, giá cà phê Arabica đã nhanh chóng trở lại đà tăng với mức bật hơn 4% so với mức tham chiếu khi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trở nên lấn át.
Xuất khẩu Arabica trong 10 ngày đầu tháng 4 tại Brazil đạt 387.355 bao, tương ứng với 61% lượng xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước, thêm vào đó tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm về mức 729.504 bao, thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2022, khiến thị trường tiếp tục lo ngại thiếu hụt nguồn cung, từ đó tạo nên tâm lý e dè trong việc xuất khẩu của nông dân và hỗ trợ giá tăng.
Thêm vào đó, Dollar Index suy yếu, kéo theo tỷ giá USD/Brazil giảm hơn 1,19%, đã phần nào hạn chế lực bán của nông dân Brazil, càng làm gia tăng lo ngại khan hiếm trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy giá tăng mạnh.
Robusta trở lại giao dịch với mức giá bật tăng hơn 4,53% so với mức tham chiếu khi thị trường tiếp tục chịu chi phối bởi những cảnh báo thiếu hụt nguồn cung.
Đến cuối tuần, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 05 tăng mạnh hơn 3%, có thời điểm giá chạm mức cao nhất kể từ 12/10/2022. Số liệu xuất khẩu giảm trong tháng 3 tại các nước cung ứng chính làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Xuất khẩu Arabica trong tháng 3 tại Brazil ở mức 2,67 triệu bao, giảm mạnh 19% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ CECAFE. Đồng thời, tại Colombia, sản lượng cà phê trong tháng 3 giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo xuất khẩu giảm 19%, theo thống kê của FNC.
Hơn nữa, việc xuất khẩu kém gây sức ép lên việc đảm bảo nguồn cung cho tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE, khiến số liệu này tiếp tục đà giảm về mức thấp nhất kể từ 12/12/2022, góp phần thúc đẩy giá tăng mạnh. Robusta tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm qua, có thời điểm giá chạm mức cao nhất kể từ 01/04/2022 nhờ lực kéo từ Arabica cũng như những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ở thời điểm hiện tại.
Nông dân Việt Nam gần như không còn cà phê dự trữ trong khi nông dân Indonesia hạn chế bán hàng với hy vọng giá tiếp tục tăng trong thời gian tới, theo các thương nhân được Reuters phỏng vấn. Điều này củng cố cho cảnh báo khan hiếm nguồn cung trước đó của hàng thông tấn này và hỗ trợ giá tăng.