Thị trường du học tại chỗ: Cơ hội và thách thức
Du học tại chỗ và đi du học nước ngoài đều có điểm mạnh -yếu (Ảnh minh họa) |
Thị trường tiềm năng
Trong nhiều năm trở lại đây, làn sóng học sinh, sinh viên (HSSV) Việt Nam đi du học nước ngoài vẫn không ngừng tăng lên. Không chỉ các gia đình khá giả mà các gia đình có thu nhập trung bình khá cũng tìm mọi cách để cho con du học với nhiều lý do như chất lượng đào tạo ở Việt Nam còn thấp, một số gia đình muốn con cái cách ly với “tệ nạn” xã hội và đa phần mong muốn con cái mình có được tương lai sáng hơn. Số liệu thống kê cho thấy, đến nay đã có hơn 130 nghìn lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở gần 50 quốc gia, trong đó tập trung nhiều nhất ở Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Anh... Theo tính toán của các chuyên gia, hàng năm người dân Việt Nam phải chi hàng tỷ USD cho việc đi du học ở nước ngoài. Ví dụ như năm 2014, con số này đạt gần 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh làn sóng du học nước ngoài, thị trường du học tại chỗ cũng đang diễn ra khá sôi động. Ngoài các trường quốc tế, các trường đại học, cao đẳng trong nước cũng tham gia cuộc đua với nhiều chương trình hợp tác, liên kết đào tạo. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Tính đến ngày 20/5/2015, cả nước có 213 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục, tổng vốn đăng ký khoảng 822 triệu USD. Nổi bật trong số này, có dự án của Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) tại Hà Nội, Trường Đại học Mỹ - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, Dự án Trung tâm Nagai Việt Nam của Nhật Bản hay Dự án của Oasis Development Management Ltd. (Anh), mới đây trường Đại học danh tiếng Fulbright cũng được cấp Giấy chứng nhận đầu tư... Dù số lượng dự án và số vốn đầu tư chưa lớn nhưng điều đáng mừng là hầu hết các quốc gia có nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đều có mặt.
Nhiều sinh viên lựa chọn trường ĐH quốc tế tại Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Mạnh và yếu của du học tại chỗ
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Julie Đinh Đoàn - Phụ trách đào tạo tại Học viện IvyPrep Hà Nội cho biết, với lợi thế về bằng cấp quốc tế được công nhận rộng rãi, chương trình giảng dạy được thẩm định, đội ngũ giảng viên chất lượng cao và cơ sở vật chất được đầu tư, khang trang, hiện đại, chi phí chỉ bằng 1/3-1/4 so với du học ở nước ngoài, du học tại chỗ sẽ thu hút không ít học sinh trong nước. Ngoài ra, phụ huynh cũng sẽ an tâm hơn khi dễ dàng quản lý được con em mình, tránh được những cú sốc văn hóa, rào cản ngoại ngữ... Bên cạnh đó, với chất lượng của bằng cấp, sinh viên sẽ tự tin và dễ dàng tìm được việc làm hơn trong các công ty, tập đoàn thậm chí cơ quan nhà nước. Đây sẽ là những điểm cộng của du học tại chỗ, đồng thời là thách thức không nhỏ cho các trường đại học trong nước.
Tuy nhiên, bà Julie Đinh Đoàn cũng phân tích, ở chiều ngược lại du học tại chỗ cũng có những thách thức về mặt kiến thức, sự trải nghiệm văn hóa, môi trường, lối sống… khiến các bậc phụ huynh cân nhắc. Cụ thể, về mặt kiến thức, chương trình học, đội ngũ giáo viên chắc chắn sẽ không đa dạng, phong phú như ở nước ngoài. Bên cạnh đó, HSSV bất lợi hơn trong việc phát triển khả năng ngoại ngữ do thiếu môi trường giao tiếp.Các học sinh cũng dễ ỷ lại hơn khi không phải tự lập, chịu trách nhiệm quản lý mọi thứ của cá nhân như ở nước ngoài. Không chỉ là những kiến thức chuyên môn, nền giáo dục tại các nước phát triển còn rèn luyện cho học sinh kỹ năng suy luận, kỹ năng tự học... là điều mà HSSV Việt Nam đang thiếu.
Theo nhiều chuyên gia, du học tại chỗ đã tạo không khí mới, thúc đẩy cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, đồng thời giảm được chi phí cho toàn xã hội.