Thị trường chứng khoán ngày 8/8: Tiếp tục giằng co và phân hóa?
Diễn biến tích cực khi dòng tiền quay trở lại
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sau 3 tuần giữ nhịp giao dịch chậm tạo đáy, chỉ số VN-Indexbất ngờ tăng 3,8% với thanh khoản cải thiện mạnh. Dòng tiền luân chuyển tích cực qua các ngành, kéo theo sự tăng điểm trên diện rộng của 18/19 ngành và 313 cổ phiếu tăng so với 81 cổ phiếu giảm. Các ngành giảm sâu như dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, và ngành ngân hàng có kết quả kinh doanh cải thiện mạnh tăng tốt lần lượt 10%, 7,5% và 4,5%. Mùa công bố kết quả kinh doanh cơ bản đã hoàn thành, vận động thị trường sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự vận động của dòng tiền và bị ảnh hưởng từ diễn biến thị trường chứng khoán quốc tế cũng như thông tin trong nước về việc cấp room tín dụng và sửa đổi Thông tư 153.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tháng 7 ở mức 199 nghìn tài khoản, giảm 57% tháng trước. Dù vậy số tài khoản mở mới trong 7 tháng đã hơn 2 triệu tài khoản so với 1,53 triệu của năm 2021. Thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn thoái trào dù vậy kênh đầu tư chứng khoán vẫn có sức hút nhất định với nhà đầu tư. Về kết quả kinh doanh quý II, 93% số công ty niêm yết trên Hose, HNX đã công bố kết quả kinh doanh quý II với mức tăng trưởng 4% yoy. 56% số công ty có tăng trưởng dương và 13,3% số công ty thua lỗ. Nhóm cổ phiếu VN30 có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế âm 2,3% yoy trong khi nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng 31,6% yoy. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý II kém tích cực và phụ thuộc nhiều vào nhóm ngân hàng, tuy nhiên nếu không tính mức giảm sút của VHM và HPG thì lợi nhuận sau thuế thị trường vẫn tăng 20%.
Sự giằng co và phân hóa có thể tiếp diễn
Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ thứ 2, dạng ‘Spinning top’, tại vùng kháng cự 1.255 - 1.260 điểm, kèm thanh khoản giảm nhẹ phiên thứ 3 và ở gần mức trung bình 20 phiên, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy sự mạnh lên của bên bán, sự suy yếu của dòng tiền, và đà tăng tạm thời chững lại.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, một số chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu quá mua, do đó, rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu. Trong kịch bản tiêu cực, chỉ số VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.245 – 1.250 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.235 – 1.240 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của chỉ số VN-Index dự báo ở mức 1.255 – 1.260 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.265 – 1.270 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Thị trường chứng khoán ngày 8/8 tiếp tục giằng co và có sự phân hóa (ảnh minh họa) |
Nhận định của ASEANSC, thị trường ngày 5/8 ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu suy yếu, trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ phiên thứ 3 và ở gần mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự mạnh lên của bên bán, sự suy yếu của dòng tiền, và đà tăng tạm thời chững lại. Điểm tích cực là nhóm chứng khoán và bất động sản vẫn còn duy trì được đà tăng khá. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng một số chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu quá mua, do đó, rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu.
ASEANSC dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co và phân hóa có thể tiếp tục diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.245 – 1.250 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.255 – 1.260 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Vùng cản 1.250 điểm – 1.262 điểm tiếp tục là thử thách
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, dù để mất điểm trong phiên cuối tuần nhưng thị trường cũng đã khép lại tuần tăng thứ 4 liên tiếp, chuỗi tăng theo tuần dài nhất hơn 1 năm qua. Thanh khoản thoát đáy đang là điểm tựa cho nhịp phục hồi của thị trường, kể cả trong kịch bản thị trường có chịu áp lực chốt lời hay điều chỉnh. Về kỹ thuật, vùng cản 1.250 điểm – 1.262 điểm tiếp tục là thử thách cho chỉ số Vn-Index trong tuần tới, nếu thanh khoản tiếp tục được duy trì ở vùng 13.500 tỷ đồng – 15.000 tỷ đồng, các nhịp rung lắc sẽ không đáng ngại.
Ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng: Thị trường giảm điểm sau 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần qua là điều hoàn toàn bình thường. Các chỉ số và nhiều cổ phiếu có chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần qua với hầu hết nhà đầu tư giao dịch T+ đều có mức lãi nhẹ. Mức giảm hôm nay khá nhẹ và cho thấy đây là hoạt động điều chỉnh thông thường.
“Chúng tôi cho rằng thị trường cần thêm một vài phiên củng cố ở đầu tuần tới và chỉ số VN-Index vẫn đang trong hành trình hướng về vùng kháng cự 1.315 điểm”, ông Nguyễn Trung Du nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Du, nhóm ngành chứng khoán vẫn là điểm sáng và là nhóm ngành tăng tốt nhất trong phiên giao dịch ngày hôm nay cũng như trong tuần giao dịch này. Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng trong phiên hôm nay và lực tăng tích cực vẫn chủ yếu từ nhóm cổ phiếu midcaps. Tuy nhiên, cần chú ý khi nhóm ngành bất động sản đang dần chạm kháng cự đỉnh tháng 6 trước đó và cần chú ý nhịp điều chỉnh.