Thị trường bán lẻ: Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Quyết định trên của tập đoàn đang sở hữu chuỗi siêu thị Go! và Top Market (trước đây là Big C) đã tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ nước ta.
Theo Central Retail, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu kinh doanh đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và trung tâm thương mại. Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail cho biết, sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước.
Hoạt động bán lẻ hàng hóa đang có nhiều khởi sắc |
Ông Olivier Langlet - Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm với doanh số tăng trưởng cao từng năm và đạt gần 38,6 tỷ baht, tương đương hơn 25.000 tỷ đồng trong vòng 10 năm, chiếm 22% tổng doanh thu của Central Retail. Vào năm 2021, dù dịch Covid-19 hoành hành nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa tại thị trường Việt Nam vẫn tăng 0,2%, lập kỷ lục mới về doanh số. Central Retail hiện có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m2.
Một doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác là AEON cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Đối với các nhà bán lẻ Việt Nam, hoạt động bán lẻ hàng hóa đang có nhiều khởi sắc. Đơn cử, Tập đoàn Masan vừa có một năm 2021 thăng hoa, vượt qua các áp lực vận hành trong bối cảnh đại dịch Covid. The CrownX, nền tảng hợp nhất WinCommerce (sở hữu siêu thị WinMart/cửa hàng WinMart+) và Masan Consumer Holdings đạt doanh thu 58.000 tỷ đồng. Nhận về mảng bán lẻ từ tay Vingroup vào cuối năm 2019, từ mức lỗ 1.234 tỷ đồng trong năm 2020, sau một năm WinCommerce đã đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng.
Phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, Tập đoàn Masan hiện là doanh nghiệp bán lẻ có mạng lưới lớn nhất với gần 2.800 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+. Cuối năm 2021, Masan chính thức thí điểm mô hình nhượng quyền nhằm hướng tới mục tiêu nắm trong tay 10.000 điểm sở hữu và 20.000 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2025.
Nhiều nhà bán lẻ khác như MM Mega Market, Saigon Co.op, BRGMart… cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư, mở rộng hệ thống để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhà bán lẻ Bách Hóa Xanh dù tạm ngưng mở mới song lại lui về tập trung hoàn thiện nền tảng vận hành để sẵn sàng nhân rộng các điểm bán trên toàn quốc từ năm 2023.
Các chuyên gia đánh giá, về dài hạn Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng với tổng mức bán lẻ, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương ghi nhận: "Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng 7,9%, đây là mức tăng khá cao trong nhiều năm trở lại đây. Con số này cho thấy sức mua của thị trường bán lẻ vẫn tương đối tốt".
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - chia sẻ, dù doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước, để tăng sức cạnh tranh, quan trọng nhất là phải hướng đến lợi ích tối ưu nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó là lựa chọn địa điểm. Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối cần có sự kết hợp với nhà cung cấp để có được mức giá cạnh tranh nhất.