Thị giá cổ phiếu cổ phiếu VNZ sau chuỗi tăng 466%, lãnh đạo muốn "thoát hàng"
Sau khi niêm yết trên sàn UPCoM ngày 5/1 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG suốt nhiều phiên không có thanh khoản. Tuy nhiên, từ ngày 31/1 đến ngày 15/2, cổ phiếu VNZ tăng 466% từ 240.000 đồng lên 1.358.700 đồng/cp, thậm chí từng có thời điểm lên tới 1.562.500 đồng/cp trước khi quay đầu giảm trong phiên 16/2. Sau đó cổ phiếu này có những phiên giảm sàn liên tiếp.
Trong những phiên tăng trần thì khối lượng cổ phiếu này chỉ giao dịch 100 cổ hoặc nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, khi lên đến vùng giá đỉnh, cổ phiếu này đã có dấu hiệu phân phối và khối lượng bán cũng nhiều hơn.
Đặc biệt, khối lượng giao dịch của VNZ tăng dần qua 4 phiên gần đây, đều trên dưới 6.000 đơn vị/phiên. Việc cổ phiếu đang trong xu hướng tăng, nhưng đột ngột có phiên diễn biến không đồng thuận giữa giá và khối lượng giao dịch khiến nhà đầu tư lo ngại về hiện tượng “phân phối đỉnh”.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu VNZ có giá tham chiếu là 926.500 đồng/cp. Cổ phiếu VNZ đang thấp hơn 32,8% so với đỉnh ngày 15/2 và đồng thời vẫn cao hơn 280% so với đáy ngày 31/1.
Trong bối cảnh cổ phiếu lập đỉnh và quay đầu giảm mạnh, bà Trương Thị Thanh (thành viên Ban kiểm soát) đăng ký bán 2.000 cổ phiếu VNZ theo phương thức thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 23/2 đến ngày 23/3.
Khi thị giá cổ phiếu VNZ lập đỉnh, lãnh đạo Công ty Cổ phần VNZ đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu (ảnh minh họa) |
Được biết, bà Thanh đang sở hữu 36.283 cổ phiếu VNZ (tương ứng 0,101 vốn điều lệ). Nếu giao dịch diễn ra thành công, số cổ phiếu bà Thanh sở hữu sẽ còn 34.283 cổ phiếu (tương đương 0,096% vốn điều lệ).
Nếu tính theo giá mở cửa ngày 22/2 là 926.500 đồng/cp, ước tính giá trị 2.000 cổ phiếu VNZ là gần 1,85 tỷ đồng, một giá trị tương đối lớn. Trong khi đó, cũng với 2.000 cổ phiếu này nếu tính giá chào sàn chỉ là 480 triệu đồng.
Liên quan cổ phiếu VNZ liên tục tăng trần nhiều phiên liên tiếp thời điểm trước pha “quay xe”, VNG công bố văn bản giải trình lần 2 (vào ngày 15/2) như một bài văn mẫu rằng: Việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. VNG không có bất kỳ can thiệp nào và hoạt động công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, trong quá khứ một số tổ chức đã từng lỗ rất lớn khi mua cổ phiếu VNZ (so với giá mới lên sàn). Năm 2019, quỹ Temasek (Singapore) thậm chí đã mua 355.820 cổ phiếu VNG với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng khoản tiền bỏ ra gần 662 tỷ. Đến năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cp.
Liên quan hoạt đọng kinh doanh, lũy kế cả năm năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG và là năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút.