Thứ bảy 21/12/2024 23:02

Thanh toán điện tử trong giao thông: Đơn giản, nhanh chóng nhưng phải bảo mật

Đối với người dân, việc thanh toán điện tử trong giao thông vừa phải đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng song cũng phải rất bảo mật.

Dễ dàng, thuận tiện thanh toán mọi dịch vụ giao thông

Theo dự thảo Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ đang được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết loại phí, giá, không chỉ với giao thông đường bộ mà còn cho các dịch vụ tại cả các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, kiểm định...

Theo đó, trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) hiện nay sẽ được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán của chủ phương tiện. Trong đó, tài khoản giao thông bao gồm thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, kết nối với phương tiện thanh toán, bao gồm ví điện tử và tài khoản ngân hàng. Mỗi lần chủ phương tiện đi qua điểm thu như: Thu phí điện tử đường bộ, bãi đỗ xe, sân bay, bến cảng… hệ thống sẽ được kết nối và trừ vào nguồn tiền trong ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Chủ phương tiện cũng có thể dễ dàng rút tiền từ phương tiện thanh toán và chi tiêu cho các mục đích khác…

Quy định mới này giúp chủ phương tiện dễ dàng thuận tiện thanh toán mọi dịch vụ giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí, phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước. Đồng thời, cũng mở rộng cơ hội cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Bên cạnh những lợi ích nhất định, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều băn khoăn về việc tài khoản giao thông này có được kết nối thông minh và an toàn với phương tiện thanh toán hay không? Hành lang pháp lý và cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, nhân lực để vận hành, khớp nối, tương thích, đồng bộ sẽ ra sao? Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ và mức giá cho dịch vụ này như thế nào?...

Hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông”

Liên quan đến những vấn đề nêu trên tại hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức vào chiều 30/9, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ Thanh toán, Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) - cho biết, là đơn vị triển khai cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, Napas đóng vai trò tổ chức chuyển mạch tài chính và trung gian cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế. Đơn vị hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 19.200 máy ATM, hơn 300.000 máy POS phục vụ gần 90 triệu chủ thẻ.

Hiện nay, Napas đang kết hợp với 54 Ngân hàng trong nước, quốc tế và các tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam; hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước phục vụ việc thanh toán. Napas sử dụng 3 hệ thống thanh toán chủ yếu bao gồm: Hệ thống chuyển mạch; Hệ thống bù trừ tự động; Hạ tầng số hóa. Dịch vụ Cổng thanh toán trực tuyến Napas là dịch vụ cung cấp cho các tổ chức trung gian thanh toán cho phép khách hàng sử dụng tài khoản, thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế do ngân hàng, tổ chức phát hành thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trên các kênh bán hàng trực tuyến.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và triển khai mô hình để người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán khi tham gia giao thông công cộng như: Metro, bus,...” - ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ Thanh toán, Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) phát biểu tại hội thảo

Theo đại diện Napas, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung, hệ thống thẻ vé giao thông không liên thông nên gây ra một số vấn đề cho người dùng khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc thẻ, phải xếp hàng rất lâu hoặc để nạp tiền người dân phải topup (chuyển tiền) tại quầy thanh toán.

“Sau khi tham khảo, nghiên cứu việc thanh toán các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình thẻ vé thông minh. Mỗi quốc gia nên có 01 hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm bus, metro,… (ít nhất là 1 thành phố có sự liên thông thanh toán bằng thẻ vé). Và cần có tiêu chuẩn kỹ thuật về loại vé thông minh đó” - ông Tùng kiến nghị.

Cho rằng việc chuyển đổi, áp dụng các công nghệ vào hệ thống giao thông đô thị sẽ giúp hoàn thiện hệ sinh thái; tạo sự thuận tiện cho người dân trong việc thanh toán và hệ thống thanh toán mở sẽ giúp tăng trưởng lượng khách sau khi áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cũng nhấn mạnh, đối với người dân, tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng và bảo mật là điều vô cùng quan trọng.

Trong một nghiên cứu của Visa cho thấy, 64% người dân sẽ sử dụng dịch vụ số để lên kế hoạch, đặt chỗ và thanh toán trước khi di chuyển; 94% người kỳ vọng thanh toán không tiếp xúc sẽ được triển khai trong thanh toán giao thông; 45% người nói sẽ di chuyển nhiều hơn nếu phương thức thanh toán thuận tiện và dễ dàng.

“Vậy làm sao để có thể giúp người dân thấy thuận tiện hơn khi đi phương tiện công cộng? Chúng tôi có những giải pháp công nghệ để kết nối thông tin các phương tiện giúp người dân nắm được thông tin các tuyến xe. Hệ thống mở không đơn giản chỉ áp dụng trong một loại phương tiện mà còn giúp người dân mở rộng, liên thông trong các dịch vụ giao thông công cộng” - bà Dung khẳng định.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào phát biểu tại hội thảo

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thông tin về hạ tầng kỹ thuật thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Trung Anh - Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện Việt Nam đã có hệ thống thanh toán liên ngân hàng như: IBPS, Napas… Có khoảng 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, có 21 nghìn ATM, có 678 nghìn POS; 52 ngân hàng sử dụng Mobile Banking.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhờ hệ thống ngân hàng rộng khắp, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt bình quân hơn 820 nghìn tỷ đồng/ngày; khối lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, bình quân xử lý 23 - 25 triệu giao dịch/ngày. Mạng lưới chấp nhận thanh toán QR Code phủ khắp hầu hết các cửa hàng tiện lợi, chuỗi phân phối bán lẻ, nhà hàng, khách sạn... và đang mở rộng dần tới các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.

Để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đại diện ngân hàng Nhà nước cho hay, sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng; xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).

Ông Nguyễn Trung Anh - Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo

Về phát triển hạ tầng, sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…

Còn về phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệp 4.0 phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, ví điện tử…; Bên cạnh đó, khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với Fintech; Phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển dịch vụ thẻ, chuyển đối thẻ từ sang thẻ chip.

Về An ninh an toàn bảo mật, ông Trung Anh cho biết, sẽ nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong thanh toán không dùng tiền mặt.

“Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thanh toán tiền mặt không dừng; triển khai các chương trình giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về thanh toán không dùng tiền mặt,… là những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh trong thời gian tới” - ông Trung Anh nhấn mạnh.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Thanh toán không dùng tiền mặt

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày