Thứ bảy 23/11/2024 14:52

Thành phố Hà Nội đề xuất phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính

Hà Nội đề xuất dự kiến phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp Thành phố và cấp huyện.

Chiều 9/9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2022.

Chiều 9/9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 năm 2022.

Thông tin tại cuộc Họp báo, liên quan đến dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội - cho biết, việc xác định các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới dựa trên các yếu tố: Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để.

“Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của toàn thành phố là 1.884 thủ tục hành chính; cấp thành phố là 1.534 thủ tục (gồm UBND và Chủ tịch UBND thành 384 thủ tục, sở, ngành có 1.150 thủ tục), cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục. Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện; 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố. Hiện thành phố đang chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố, các sở, ngành tiếp tục rà soát để đảm bảo việc phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định, khả thi”, ông Lê Văn Quân thông tin.

Cũng theo ông Lê Văn Quân, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết ngày 3/8/2016 với việc bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ so với quy định phân cấp hiện hành liên quan đến: Quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; lĩnh vực di tích; chợ; nước sạch ở vùng sâu vùng xa; xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của thành phố; bến xe, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông; trường trung học phổ thông.

Thành phố tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế; rà soát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố; rà soát về thủ tục hành chính để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

“Tại kỳ họp HĐND thành phố ngày 12/9/2022 tới đây, UBND thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố ban hành thông qua 2 Nghị quyết. Đó là Nghị quyết (cá biệt) thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; Nghị quyết (quy phạm pháp luật) thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Lê Văn Quân chia sẻ.

Ông Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội thông tin tại cuộc Họp báo

Về vấn đề này, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội - cho biết, trong 16 năm qua, HĐND thành phố đã ban hành 2 Nghị quyết và UBND thành phố ban hành 8 Quyết định về phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền dựa trên nguyên tắc tất cả những gì mà cấp quận huyện có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện, tránh ôm đồm nội dung chậm trễ hướng đến giải quyết nhanh chóng tất cả việc phân cấp, ủy quyền.

Cũng theo ông Trương Việt Dũng, phân cấp ủy quyền là vấn đề rất lớn. Trước đây, thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết 08 và UBND thành phố cũng đã có Quyết định 41 và Quyết định 14 về phân cấp 15 lĩnh vực về đầu tư và sau đầu tư của UBND Thành phố.

Một bước tiến lớn nhất trong Đề án hiện nay đó là ngoài việc phân cấp về đầu tư và quản lý đầu tư thể hiện ở các nhiệm vụ. Ví dụ như trước đây chợ hạng 1 do cấp thành phố đầu tư thì nay giao cho cấp quận, huyện. Như vậy, công tác giải ngân sẽ nhanh hơn. Hay về trường trung học phổ thông trước đây thành phố đầu tư và giao cho các ban dự án, với đề xuất của thành phố và được HĐND thành phố thông qua thì sẽ giao cho cấp quận, huyện làm chủ đầu tư. Sau khi đầu tư xong sẽ giao trở lại cho cấp Thành phố quản lý.

Cũng theo ông Trương Việt Dũng, ngay sau khi Đề án được HĐND thông qua, Thành phố sẽ ban hành Quyết định liên quan đến nội dung về các thủ tục liên quan đến phân cấp, các thủ tục ủy quyền, trong đó gắn với thời hạn ủy quyền. “Dự án đầu tư khi đã giao cho cấp quận, huyện, các cấp này sẽ quyết định tất cả các nội dung của chủ đầu tư, từ phê duyệt đầu tư, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, phê duyệt dự toán. Như vậy, việc này sẽ tác động mạnh đến công tác giải ngân trên địa bàn thành phố”, ông Trương Việt Dũng cho biết thêm.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng đón nhận xếp hạng di tích lịch sử

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Độc đáo hoạt động thả diều nghệ thuật ở thị trấn Sông Đốc – Cà Mau

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Hòa Bình đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành

Bắc Ninh bàn giải pháp gỡ khó cho phát triển và quản lý chợ

Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024

Bắc Ninh tổ chức gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11/2024