Thành lập sàn giao dịch vàng: Vì sao nhiều ý kiến trái chiều?
Câu chuyện vẫn bị “bỏ ngỏ”
Trong một tọa đàm về giải pháp phát triển thị trường vàng mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng và lập sàn giao dịch vàng. Cụ thể, GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, người Việt thường có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai nên có tâm lý tích trữ cao. Do vậy, việc người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng, không chỉ để “trang sức” mà thực sự là tích trữ, có tài sản phòng thân. Đó là yêu cầu chính đáng.
“Nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều, đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý người dân có lúc lo sợ, lại lao đi mua vàng và giá vàng lại bị đẩy giá lên. Chúng ta phải mở cửa, phải làm sao tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh, không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra nguồn cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá tăng phi lý. Nếu chúng ta chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, người dân mua về cất tủ, két ở nhà, chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề”, GS. TS Hoàng Văn Cường băn khoăn.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC |
Trong một lần chia sẻ với báo giới, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn còn “bỏ ngỏ” nên người mua vàng mang về nhà cất giữ thay vì gửi vào ngân hàng như trước đây. Cũng vì thế, một nguồn vốn trong xã hội chưa được khai thác, nằm im trong dân. Chưa kể, thị trường vàng có những diễn biến khó hiểu.
TS Lê Đạt Chí đặt vấn đề: “Các đơn vị kinh doanh vàng mỗi ngày đều công bố giá, nhưng cơ sở nào để đưa ra mức giá đó thì rất khó có thể biết được. Ai có thể lý giải tại sao người Việt phải mua vàng với giá cao hơn thế giới, lên hơn 10 triệu đồng mỗi lượng trong nhiều năm qua? Hơn nữa, các đơn vị kinh doanh vàng cũng để giá mua và bán ở mức chênh lệch cao, nên rủi ro hoàn toàn thuộc về người mua. Rồi nhiều vụ việc “bất thường” được phát hiện như có những đơn vị kinh doanh vàng nhỏ nhưng doanh thu thì lại “khủng”.
Chính vì vậy, ông Lê Đạt Chí cho rằng, thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay, với việc thành lập sở giao dịch vàng, người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và thực hiện mua bán trên đó. Sở giao dịch vàng sẽ chuẩn hóa thị trường vàng, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng. Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động, thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn, văn minh hơn.
“Có thể sở giao dịch vàng hoạt động thí điểm trong thời gian đầu với quy mô nhỏ. Lượng vàng được lưu ký, các đơn vị không được phép sử dụng vào việc khác. Nhà đầu tư muốn giao dịch thì mở tài khoản trên sàn. Từ từ điều này sẽ tạo thành thói quen và hạn chế giao dịch vàng vật chất”, TS Lê Đạt Chí đề xuất.
Còn GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Người dân không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không?… Vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế. Vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
“Chúng ta điều hành về mặt Nhà nước, quản lý thị trường, chúng ta bảo đảm quản lý được ngoại tệ. Thêm nữa, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt”, GS. TS Hoàng Văn Cường cho biết.
GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý, không phải lo cất trữ vàng |
Cân nhắc kỹ lưỡng
Thận trọng hơn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính cần thiết. Bởi hiện nay chủ yếu là giao dịch điện tử và cần có chân rết, mạng lưới phù hợp. Vậy thì khu vực nông thôn, miền núi hoạt động như thế nào? Riêng hoạt động giao dịch vàng tài khoản, ông Lực đề nghị nên xem xét cho phép vì tiện lợi cho giao dịch, quản lý, giảm dùng tiền mặt và theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này đồng ý với quan điểm rằng Chính phủ cần sửa Nghị định 24 do đã ban hành hơn 10 năm và hiện có một số quy định bất cập. Trong đó phải bỏ tình trạng độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng, gia tăng nguồn cung hợp lý để tăng tính minh bạch cho thị trường. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng do chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn. Từ đó cũng góp phần quản lý ngoại tệ, tỷ giá tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần kiên định chính sách giảm vàng hóa vì đã thực hiện tốt thời gian qua như không cho vay mượn bằng vàng, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh trái phép…
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính. “Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng, như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ. Từ đó, làm sao cho việc quản lý vàng vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà nước, là tránh vàng hóa nền kinh tế, tránh đưa vàng vào một loạt tiền tệ trong thị trường; đồng thời đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân. Từ đó, tạo ra thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Đây là mục tiêu chúng ta cần hướng tới, thay vì chỉ đơn thuần lập sàn giao dịch vàng”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Một điều nữa, thị trường vàng cũng cần hướng đến việc làm cho hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh vàng theo hướng của thế giới. Tức là, chúng ta có hoạt động kinh doanh, mua bán dựa trên chứng chỉ mang tính quốc tế. Từ đó, giảm thiểu tối đa việc sử dụng vàng trong thực tế. Đó là điều cần hướng đến trong thời gian tới.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế lại đặt câu hỏi, liệu có cần thiết mở sàn giao dịch vàng quốc gia hay không? Điều đó có ích lợi gì cho người dân và nền kinh tế? Theo ông Hiển, hơn 10 năm qua nhà nước đã xem như thành công trong việc kiểm soát, dẹp các sàn vàng chui và chính sách vàng hóa trên thị trường.
“Sàn vàng ở một góc độ nào đó có thể giúp cho nhà nước tăng thu được thuế, nhưng có nhiều hoạt động khác góp phần tăng thu tốt hơn như đua ngựa, cá cược bóng đá… Do đó xét về góc độ kinh tế chung của Việt Nam thì không phù hợp để thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia”, ông Hiển nêu quan điểm.