Thứ hai 23/12/2024 09:31

Thanh Hóa: Triển khai phương án di dời các hộ dân ở miền núi trước nguy cơ lũ quét

Để bảo đảm an toàn cho người dân các huyện miền núi trước nguy cơ sạt lở, lũ quét, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát và lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Nhiều hộ dân ở vị trí có nguy cơ sạt lở phải di dời

Thanh Hóa là tỉnh có địa hình phức tạp với 11 huyện miền núi có người dân sinh sống ở các triền đồi, bờ sông, suối nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra, đe dọa đến tính mạng. Để đảm bảo tính mạng cho người dân ở các huyện miền núi trước nguy cơ lũ ống, lũ quét, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương rà soát, lên phương án để di dời người dân đến nơi ở an toàn.

Tại huyện Quan Hóa, đã tổ chức rà soát ở khu vực sinh sống của 13 hộ dân bản Chiềng, xã Phú Sơn, nơi có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ quét. Người dân rất lo lắng vì những ngày qua trên địa bàn thường xuyên xuất hiện mưa lớn. Sau khi rà soát, UBND huyện Quan Hóa đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 01/12/2021 theo hình thức tái định cư xen ghép. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân nêu trên chưa tìm kiếm được quỹ đất để thực hiện di chuyển ra khỏi nơi ảnh hưởng thiên tai đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất.

Tháng 10/2022, Trường mầm non Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang thi công thì bị sạt lở đất. Ảnh: Mai Luận

Còn tại huyện biên giới Mường Lát, hàng chục hộ dân đang sinh sống dọc suối Na Tao và cầu tràn giao thông bản Na Tao đi bản Cơm, xã Pù Nhi (bắc qua suối Cơm) bị lũ cuốn trôi thấp thỏm lo âu. Bởi khi nước dâng sẽ bị chia cắt. Chính quyền địa phương đã rà soát, các hộ sống ven suối có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và ngập lụt để xây dựng phương án xử lý.

Đối với huyện Lang Chánh, từ đầu năm 2023, các hộ dân sinh sống dưới chân đồi Na Lo, tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc phát hiện phía trên sườn đồi có vết nứt, đất sụt, trượt xuống. Qua kiểm tra chiều dài hơn hơn 60m, rộng khoảng 4cm, một số vị trí đã bị sạt trượt nguy cơ ảnh hưởng đến 18 hộ với 71 khẩu và 1 khu lẻ Trường Mầm non Tân Phúc, hiện đang có 73 cháu và 7 cô giáo đang sinh sống và học tập ngay phía dưới chân đồi Na Lo.

Sau khi nhận báo cáo của UBND xã về nguy cơ sạt lở, UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra và xác định nguyên nhân của việc sạt trượt tại đồi Na Lo, thôn Tân Lập, xin nguồn kinh phí để sớm di dời người dân. Theo đó, huyện Lang Chánh đang triển khai dự án tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất của 62 hộ dân tại xã Tam Văn (bản Lọng 40 hộ, bản Căm 22 hộ) bị ảnh hưởng của thiên tai do sạt lở đất và lũ quét. Đảm bảo các hộ dân sau tái định cư có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, trật tự và môi trường của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu huyện Quan Hóa xây dựng các phương án bảo đảm đời sống nhân dân vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai

Ngoài ra, huyện Lang Chánh cũng đang có 2 khu tái định cư thuộc xã Tam Văn với diện tích là 5,75ha gồm khu tái định cư bản Lọng 3,83ha và khu tái định cư bản Căm 1,92ha. Đầu tư đồng bộ hệ thống san nền, đường giao thông, hệ thống vỉa hè, hệ thống thoát nước, cấp nước sinh hoạt, trạm biến áp và đường dây trung thế, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt với số vốn gần 50 tỷ đồng. Dự án được triển khai thi công từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, quá trình lập quy hoạch còn phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế; việc lập quy hoạch phải tổ chức lấy ý kiến của các cấp, thời gian lấy ý kiến kéo dài, làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án.

Sớm di dời người dân đến nơi ở an toàn

Trước nguy cơ sạt lở, lũ quét đe dọa tính mạng của người dân ở các huyện miền núi, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã dẫn đầu đoàn công tác cùng với các sở, ngành, các địa phương đi kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho nhân dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi.

Sau khi đi thị sát thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chỉ đạo huyện Quan Hóa cần tổ chức lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để xây dựng phương án bố trí tái định cư cụ thể, chi tiết đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành có liên quan, nghiên cứu đầu tư xây dựng đường giao thông để người dân thuận lợi đi vào khu tái định cư. Huyện Quan Hóa nghiên cứu trồng hệ thống cây xanh trong khu tái định định cư, tạo cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp. Các ngành có liên quan của tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ phần kinh phí di dời cho các hộ dân theo quy định để các hộ dân có kinh phí hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ thiết yếu.

Đối với dự án hạ tầng khu tái định cư bản Tang, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa được UBND tỉnh thống nhất thực hiện đầu tư theo lệnh khẩn cấp với kinh phí 11,7 tỷ đồng. Dự án nhằm sắp xếp, ổn định cho 39 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại bản Tang, xã Trung thành. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đã giao đất cho các hộ dân và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã thăm hỏi tình hình đời sống người dân và động viên các hộ dân yên tâm vượt qua khó khăn ban đầu ở khu tái định cư.

Cầu tràn giao thông bản Na Tao đi bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát đã bị lũ cuốn trôi

Ông Lê Đức Giang cũng yêu cầu các địa phương sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cấp huyện, không được chủ quan, lơ là trước mọi tình huống. Đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết trong thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại khu tái định cư bản Nà Ón, xã Trung Lý nơi có 58 hộ là bản đồng bào Mông đang sinh sống (hoàn thành tháng 9/2020) đưa toàn bộ người dân vào sinh sống ổn định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn người dân khắc phục khó khăn chăm lo cho con em học tập, nâng cao dân trí để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Trước nguy cơ sạt lở, lũ quét, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các phương án di dời người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân trong mùa mưa bão. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các huyện miền núi chủ động thông tin, tuyên truyền, cảnh báo điểm xung yếu, thực hiện nghiêm nội dung các Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét đến từng xã, thôn, bản và người dân nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường.

Hoàng Minh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp