Thanh Hóa: Khởi tố 240 vụ án với 350 bị can liên quan đến “tín dụng đen”
“Tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính, tiệm cầm đồ
Theo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngày 24/6/2024, loại hình “tín dụng đen” trên địa bàn hoạt động chủ yếu dưới 4 hình thức: Cho vay dưới dạng ông ty dịch vụ tài chính; cho vay dưới hình thức các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; các cá nhân, gia đình có tiền, tài sản cho vay lãi nặng theo phương thức truyền thống và là các công ty, doanh nghiệp núp bóng có đăng ký kinh doanh nhưng thực chất là hoạt động cho vay lãi nặng.
Ngoài ra còn xuất hiện nhiều băng, nhóm tội phạm lôi kéo, tập hợp những đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư để gây thanh thế lực lượng, các đối tượng cầm đầu lấy hoạt động “tín dụng đen” làm nguồn dinh dưỡng chính để trả lương, tổ chức ăn chơi trác táng và duy trì hoạt động.
Từ việc các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” công khai, lộng hành cho vay lãi suất “cắt cổ”, nguồn thu từ “tín dụng đen” càng nhiều, các băng nhóm tội phạm ngày càng tập hợp được số lượng đối tượng hình sự tham gia đông, dẫn đến nhiều vụ cạnh tranh địa bàn, cạnh tranh làm ăn với băng nhóm khác gây phức tạp về an ninh trật tự.
Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" núp bóng tiệm cầm đồ. (Ảnh tư liệu) |
Để thực hiện việc đòi nợ, thu hồi tiền cho vay, các đối tượng cầm đầu chỉ đạo đàn em đòi nợ, xiết nợ, ném chất bẩn, thậm chí mang quan tài đến nhà người vay, sử dụng vũ khí “nóng” gây ra nhiều vụ việc giết người, gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, nhiều gia đình rơi vào cảnh mất nhà, mất tài sản
Nhận thức được tình hình trên, những năm qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, chủ công là Công an tỉnh Thanh Hóa đấu tranh quyết liệt đối với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan “tín dụng đen”, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có biểu hiện co cụm, cảnh giác hơn, không còn hoạt động công khai, manh động, tràn lan như trước hoặc chuyển đổi ngành nghề làm ăn kinh doanh khác.
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa bắt, khám xét một đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. (Ảnh: Công an Thanh Hóa) |
Đến thời điểm hiện tại, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được kiểm soát tốt, không còn hoạt động manh động, liều lĩnh, công khai như trước. Nhiều cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ tài chính dừng hoạt động hoặc chuyển địa bàn kinh doanh; tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, tường, cây xanh, trên các website và mạng xã hội giảm mạnh; hoạt động đòi nợ, siết nợ không còn diễn biến phức tạp, tình trạng chủ nợ sử dụng các đối tượng ngoài xã hội để ném chất bẩn, hủy hoại tài sản, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản gần như không còn xuất hiện.
Các cá nhân, tổ chức cho vay đồng loạt hạ lãi suất dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhiều công ty tài chính, cơ sở cầm đồ gỡ biển, nộp lại giấy phép hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên qua công tác nắm tình hình, hiện nay các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là sử dụng mạng internet, các phần mềm quản lý để thực hiện và che dấu hành vi phạm tội, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng.
Quyết tâm dẹp tội phạm liên quan “tín dụng đen”
Theo thống kê, từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2024, Cơ quan Điều tra 02 cấp Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 240 vụ án/350 bị can về tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 318 bị can, với tổng số tiền các đối tượng thực hiện hoạt động cho vay hơn 1.000 tỷ đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng.
Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử băng nhóm "tím dụng đen" tra tấn con nợ như thời trung cổ, gây ám ảnh người dân xứ Thanh thời gian gần đây. (Ảnh tư liệu) |
Kèm theo đó là các tội phạm có liên quan tội gây rối trật tự công cộng là 01 bị can, tội cưỡng đoạt tài sản là 5 bị can, tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng là 02 bị can, tội đánh bạc là 25 bị can, tội cố ý gây thương tích là 03 bị can, tội huỷ hoại tài sản là 01 bị can. Xử phạt hành chính 34 vụ/36 đối tượng về hành vi “Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hành chính đối với các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính trên các địa bàn. Tổng số đã kiểm tra 1.507 lượt, 910 cơ sở, xử phạt 255 vụ, 255 đối tượng, trong đó xử phạt 20 vi phạm hành chính về hành vi cho vay tiền với lãi suất cao, 235 vi phạm khác về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự.
Điển hình như ngày 28/3/2023, Công an tỉnh đã huy động 2.395 cán bộ chiến sỹ thuộc các đơn vị đồng loạt kiểm tra 735 cơ sở cầm đồ trên toàn tỉnh phát hiện 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính số tiền phạt ước tính gần 2,4 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra ngoài góc độ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật còn kịp thời cập nhật, bổ sung thông tin, tình hình tại các cơ sở, góp phần phòng ngừa, triệt tiêu nguy cơ, khả năng, điều kiện để tội phạm hoạt động.
Bên cạnh đó, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã thụ lý 196 vụ/347 bị cáo về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự kèm theo các tội danh có liên quan. Giải quyết 191 vụ/340 bị cáo. Kết quả cho hưởng án treo 92 bị cáo; cải tạo không giam giữ 76 bị cáo; phạt tiền 64 bị cáo; cảnh cáo 03 bị cáo; xử dưới 03 năm tù 100 bị cáo; từ 03 đến 07 năm tù là 05 bị cáo.
Huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc chống “tín dụng đen"
Trước dự báo tình hình hoạt động “tín dụng đen” vẫn tiếp tục có nguy cơ diễn biến phức tạp trở lại; trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12, Công điện số 766 của Thủ tướng Chính phủ về “tín dụng đen”.
Các tờ rơi, quảng cáo cho vay tín dụng không cần thế chấp được dán chi chít trên bờ tường ở Khu công nghiệp Hoàng Long, TP. Thanh Hóa. (Ảnh: Quách Du) |
Huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”, vận động Nhân dân tích cực tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Gắn công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật đến hoạt động “tín dụng đen” với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các đường dây tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm ma túy.
Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước của các sở, ngành, đoàn thể của địa phương trong phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, với dịch vụ nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng và hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự. Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện về an ninh trật tự, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, các cơ sở kinh doanh chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ cầm đồ sang kinh doanh dịch vụ tài chính.
Hai đối tượng cho vay tiền với lãi suất "cắt cổ" vừa bị Công an huyện Hoằng Hóa bắt giữ vào tháng 6/2024. (Ảnh: Công an Thanh Hóa) |
Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tập trung rà soát, nắm tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu hoạt động cho vay trái pháp luật.
Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Làm tốt công tác phối hợp giữa 03 ngành tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Lựa chọn một số vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án gây bức xúc trong dư luận, quần chúng nhân dân để xác định án trọng điểm, tổ chức xét xử điểm nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.