Thanh Hóa: Khai thác hiệu quả FTA
Tăng trưởng ấn tượng
Theo các chuyên gia, với những lợi thế từ việc Việt Nam đã và đang thực hiện 16 FTA với các khu vực, đối tác trên thế giới, đây vừa là cơ hội lớn để các DN trong nước nói chung và DN tỉnh Thanh Hóa mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng mạnh nhờ khai thác tốt cơ hội từ các FTA |
Với định hướng thực hiện “mục tiêu kép”, sản xuất hàng hóa xuất khẩu của các DN trong tỉnh trong năm qua đã đạt được những kết quả tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.495,6 triệu USD tăng 41,3% so với cùng kỳ và bằng 124,9% so với kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhìn chung có nhiều đơn hàng, sản xuất ổn định đóng góp quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, các DN trong tỉnh đang vận dụng tốt các FTA đã ký kết và có hiệu lực để mở rộng thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có 61 DN xuất khẩu sang thị trường CPTPP, 52 DN xuất khẩu sang thị trường EVFTA, 5 DN xuất khẩu sang các nước thành viên UKVFTA. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thành viên CPTPP 1,91 tỷ USD, sang thị trường thành viên EVFTA 1,64 tỷ USD, sang thị trường thành viên UKVFTA là 0,33 tỷ USD.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến thông tin các hiệp định nhằm trang bị cho DN những kiến thức liên quan đến các thị trường xuất khẩu, biện pháp phòng vệ thương mại, tập huấn triển khai quy tắc xuất xứ theo hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hỗ trợ dn nâng cao kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại.
Phấn đấu xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD
Bên cạnh những thuận lợi, theo đánh giá của Sở Công Thương, Việt Nam thực hiện các FTA trong vị thế là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác. Vì vậy, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng chịu sức ép mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.
Bên cạnh đó, DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong khi, số lượng DN trên địa bàn tỉnh khá lớn, nhưng chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Để đạt được mục tiêu kế hoạch trong năm 2022, Sở Công Thương cho rằng, cần có các giải pháp quyết liệt.
Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh đã đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, tích cực hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa vào các nước đã ký kết các FTA... Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là DN chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm của tỉnh.
Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ thường xuyên đấu nối với Bộ Công Thương và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thu thập, nắm bắt thông tin về các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ giao thương, giới thiệu thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đối với hàng hóa có lợi thế sản xuất của tỉnh và cung cấp cho các DN đề xuất tham gia…
Dựa trên những lợi thế mà FTA mang lại, tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh năm 2022 đạt 5,7 tỷ USD tăng 6,76% so với thực hiện năm 2020. |