Thanh Hóa: Doanh nghiệp khai thác quặng sắt hủy hoại hơn 7ha đất
Lắp đặt dây chuyền sản xuất, tuyển quặng trái phép
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, Công ty TNHH hai thành viên khoáng sản Kim Phát (Công ty Kim Phát, có địa chỉ tại xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận làm giàu quặng sắt tại xã Ái Thượng, huyện Bá Thước vào năm 2013.
Sau thời gian hoàn thiện các thủ tục đánh giá trữ lượng quặng sắt còn lại để cấp lại mỏ, ngày 13/8/2015, Công ty Kim Phát đã được tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ quặng sắt số 325/GP-UBND tại làng Đầm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước với diện tích khai thác 25,4ha; trữ lượng khai thác là 115.286 tấn quặng sắt, công suất khai thác 7.600 tấn/năm, phương pháp khai thác lộ thiên.
Từ khi được cấp phép đến năm 2022, Công ty Kim Phát không hoạt động liên tục, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 công ty này mới tiến hành khai thác và chế biến làm giàu quặng trở lại. Cũng từ khi đó, đã có nhiều thông tin phản ánh đến các cơ quan chức năng về một số vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình khai thác khoáng sản tại đây.
Mỏ quặng sắt của Công ty Kim Phát. (Ảnh: Mai Trúc) |
Theo biên bản kiểm tra ngày 1/2/2024 của đoàn liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa chủ trì, tại khu vực chế biến có 01 dây chuyền sản xuất, tuyển quặng và 03 hồ chứa chất bùn thải, diện tích hồ khoảng 6.000m2, nằm trong diện tích đã được chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh do bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đứng tên, công ty chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định.
Theo lý giải của Công ty Kim Phát, tại khu vực chế biến, trước đây hệ thống sàng tuyển quặng được đơn vị lắp đặt tại xã Điền Lư, huyện Bá Thước. Tuy nhiên, do việc vận chuyển quặng thô từ mỏ về nơi chế biến xa, dẫn đến bất cập trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Công ty Kim Phát đã chuyển sang khu đất nằm sát bên cạnh (khu đất nhà bà Hạnh nói trên) để lắp đặt toàn bộ hệ thống sàng tuyển và tiến hành hoạt động.
Sau quá trình làm việc, đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty Kim Phát dừng việc chế biến khoáng sản tại khu vực đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định.
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty Kim Phát. (Ảnh: QH) |
Căn cứ theo báo cáo số 25/BC-UBND ngày 3/5/2024 (kèm biên bản vi phạm hành chính) và tờ trình số tờ trình số 118/TTr-UBND ngày 8/4/2024 của UBND huyện Bá Thước, ngày 07/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số 1823/QĐ-UBND đối với Công ty Kim Phát.
Cụ thể, công ty Kim Phát đã bị xử phạt 120 triệu đồng vì đã có hành vi hủy hoại diện tích đất (làm biến dạng địa hình đất) với tổng diện tích là 7,09ha; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Số quặng tập kết trái phép được xử lý thế nào?
Ngoài hành vi lắp đặt hệ thống dây chuyền tuyển quặng, đào 3 hồ chứa chất bùn thải trái phép, Công ty Kim Phát còn đang tập kết một lượng lớn quặng trái phép tại đây. Từ thời điểm tháng 3/2024, công ty Kim Phát đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin dọn dẹp và tận thu số quặng đã tập kết khu nhà máy tuyển quặng tại mỏ quặng sát Làng Đầm, xã Lương Nội. Tuy nhiên, đến ngày 7/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 6269/UBND-CN không chấp thuận cho Công ty Kim Phát tận thu số quặng trên.
Tiếp đến ngày 15/5 và 16/5/2024, Công ty Kim Phát liên tục có 2 tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin dọn dẹp, khắc phục hậu quả số lượng quặng đã tập kết tại khu nhà máy tuyển quặng chưa được thuê đất.
UBND huyện Bá Thước, đơn vị lập hồ sơ và trình UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền. (Ảnh: CTV) |
Trong tờ trình của Công ty Kim Phát, đơn vị này xin được đính chính nội dung từ dọn dẹp tận thu quặng thành: “Xin dọn dẹp và khắc phục hậu quả số lượng quặng đã tập kết khu nhà máy tuyển quặng chưa được thuê đất với nhà nước, tại mỏ quặng sắt Làng Đầm, trong thời gian từ 15/5/2024 đến 15/8/2024”.
Ngày 22/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung đề nghị trên, báo cáo, đề xuất nội dung vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 10/6/2024.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tống Minh Hóa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước cho biết, hiện doanh nghiệp chưa nộp tiền phạt và sẽ phải chịu cưỡng chế thi hành cũng như chịu thêm tiền nộp phạt.
“Hiện tại khu vực vi phạm vẫn đang còn khoáng sản, trong quá trình hoàn trả lại nguyên trạng nếu đơn giản là chỉ thu vén, dọn dẹp thì sẽ gây ra thất thoát nguồn tài nguyên đó. Công ty phải tiếp tục báo cáo UBND tỉnh vừa dọn dẹp đồng thời vừa tận thu lại để tránh thất thoát. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản giao các sở, ngành cũng như UBND huyện xem xét lại để báo cáo UBND tỉnh quyết định”, ông Hóa cho biết.
Còn một lãnh đạo UBND huyện Bá Thước chia sẻ, UBND huyện là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xử phạt nên nắm rất chắc việc này, nếu tài nguyên khoáng sản này mà không được tận dụng thì có phần lãng phí.