Thanh Hóa: Chuyện về những doanh nhân đồng hành cùng chính quyền
Những đóng góp của đội ngũ doanh nhân cả nước nói chung và doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng rất lớn. Đội ngũ doanh nhân được xem là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023), các doanh nhân tại tỉnh Thanh Hóa đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những bí quyết của sự vượt khó.
Doanh nhân chia sẻ khó khăn với chính quyền
Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa (Công ty TNHH MTV Co.opmart Thanh Hóa) chia sẻ: Trong 9 tháng năm 2023, do hệ lụy của đại dịch Covid-19 để lại, thêm vào đó là xung đột giữa Nga và Ukraine khiến tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn như: Tín dụng, bất động sản, các danh nghiệp sản xuất có ít đơn hàng, dẫn đến phải giảm công suất sản xuất, cắt giảm lao động, giảm thu nhập… đã tác động đến thị trường bán lẻ trên cả nước nói chung, trong đó Co.opmart Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng, giảm doanh thu bán hàng so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa trao đổi với phóng viên Báo Công Thương |
Mặc dù khó khăn, nhưng trong thời gian qua, Co.opmart Thanh Hóa luôn đi đầu trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương, đồng hành cùng chính quyền để chia sẻ những khó khăn trong việc như: cung ứng, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường các đợt cao điểm hàng năm, đảm bảo môi trường mua sắm an toàn, được người dân an tâm, tin tưởng khi mua sắm. Co.opmart Thanh Hóa cũng là đơn vị tích cực tuyên truyền, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tích cực tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Co.opmart Thanh Hóa luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương |
Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong 3 tháng cuối năm 2024, đặc biệt là sức mua của người dân vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ tháng 6/2023, do ảnh hưởng từ tình hình biến động của thị trường gạo thế giới, giá gạo trong nước đã rục rịch tăng, Saigon Co.op đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp và lên phương án dự trữ, cùng nhà cung cấp giữ ổn định mặt bằng giá gạo tại hệ thống bán lẻ thuộc hệ thống Saigon Co.op trên toàn quốc trong một thời gian nhất định. Đây là sự cam kết giữa nhà cung cấp với Saigon Co.op và giữa Saigon Co.op với người tiêu dùng. Co.opmart Thanh Hoá lượng dự trữ gạo mỗi tháng thường là 10 tấn, 3 tháng Tết năm 2024 khoảng 60 tấn và các mặt hàng thiết yếu khác ước tính giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
Còn doanh nhân Trần Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành 1 (gọi tắt là Công ty Tân Thành 1)- doanh nghiệp vừa đưa Chợ đầu mối phía Tây lớn nhất tỉnh Thanh Hóa vào hoạt động đợt đầu năm 2023 chia sẻ: Ngày 29/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký Quyết định số 3716/QĐ-UBND về việc Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Chợ đầu mối phía Tây tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Khi triển khai dự án này, chúng tôi cũng đã phân tích, TP. Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm hành chính, kinh tế tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên TP. Thanh Hóa chỉ có một chợ đầu mối đã đầu tư xây dựng nằm trong khu vực trung tâm. Để giảm tải cho chợ đầu mối trên, cũng như giảm tải về phương tiện giao thông có trọng tải lớn đi lại trong nội thị, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, môi trường, việc đầu tư xây dựng chợ đầu mối ngoại thành TP. Thanh Hóa là hết sức cần thiết.
Chợ đầu mối phía Tây lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng nhu cầu cho gần 1.500 tiểu thương giao thương hàng hóa giữa các vùng miền |
Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá về giao thông, cách đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa khoảng 500m, gần với trục Quốc lộ 45, thuận lợi giao thương giữa các vùng miền, các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Giao thông thuận tiện dễ dàng trong việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa các huyện miền Tây cũng như vùng biển, vùng đồng bằng tỉnh Thanh Hóa, kết nối kinh tế các địa phương. Khu vực 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đều đi qua trục QL 47 đoạn cải dịch, tiếp giáp khu đất dự kiến xây dựng chợ đầu mối.
Đầu năm 2023, Công ty đã đưa Chợ đầu mối phía Tây vào hoạt động với quy mô hơn 800 điểm kinh doanh trên diện tích gần 5,2 ha với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Đây là một chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Thanh Hóa và cũng là chợ đầu mối duy nhất của tỉnh Thanh Hóa đáp ứng đủ các tiêu chí về quy hoạch sử dụng đất, mật độ cây xanh, phòng cháy chữa cháy…, đáp ứng nhu cầu cho gần 1.500 tiểu thương hoạt động buôn bán, kinh doanh, giao thương hàng hóa giữa các vùng miền.
Ngành Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai Chợ đầu mối phía Tây, doanh nhân Trần Xuân Vinh, Giám đốc Công ty Tân Thành 1 cho biết: Bắt tay vào triển khai dự án Chợ, chúng tôi cũng gặp khó khăn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực để đưa Chợ vào vận hành đúng tiến độ, bên cạnh đó UBND tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là ngành Công Thương đã luôn đồng hành, cùng hỗ trợ Công ty tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Chị Lê Thị Hằng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Chợ đầu mối phía Tây giới thiệu về hoa quả đưa về Chợ đầu mối phía Tây có rõ nguồn gốc xuất xứ |
Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Co.opmart Thanh Hóa chia sẻ: “Thời gian qua, Co.opmart Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Công Thương Thanh Hóa. Cụ thể, Sở Công Thương Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo công tác đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trong các dịp cao điểm lễ, tết và thúc đẩy quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng. Co.opmart Thanh Hóa là đơn vị bán lẻ thuần Việt trực thuộc Liên Hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (SaigonCo.op) kinh doanh trên 23.000 mặt hàng, trong đó 95% là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bao gồm các nhóm hàng: thực phẩm tươi sống như : rau, củ, quả, cá, thịt… thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, thời trang dệt may. Thời gian tới, Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Sở Công Thương Thanh Hóa”.
Theo doanh nhân Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Linh Chi, địa chỉ tại TP. Thanh Hóa chia sẻ: “Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán hàng hóa tiêu dùng, trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Trong quá trình hoạt động, kinh doanh, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Thanh Hóa, như hướng dẫn về cung ứng, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường các đợt cao điểm hàng năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.