Thanh Hóa: Cần mạnh tay để không tái diễn chuyện con lãnh đạo 'đi lạc' vào trường dân tộc nội trú
Nhiều năm qua, câu chuyện con lãnh đạo “đi lạc” vào trường dân tộc nội trú xảy ra ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận rất bất bình. Điều này ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của các huyện miền núi nói riêng và ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nói chung. Câu chuyện cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức vụ lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi vẫn diễn ra, khiến dư luận bức xúc.
Hàng loạt trường hợp là con cán bộ, lãnh đạo được tuyển sinh trái quy định tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mường Lát cần phải bị xử lý nghiêm (Ảnh internet) |
Cụ thể, mới đây Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã công bố quyết định tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng, đảng viên trong công tác tuyển sinh vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mường Lát. Sự việc trên bắt nguồn từ đơn thư của người dân gửi đến các cơ quan báo chí và các đơn vị có liên quan phản ánh về việc có những học sinh là con, cháu lãnh đạo cấp phòng, cán bộ, giáo viên... được xét tuyển vào lớp 6 không đúng quy định.
Theo báo cáo kết quả xác minh của UBND huyện Mường Lát, từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024, nhiều học sinh là con của cán bộ, công chức, giáo viên được xét tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mường Lát không đúng quy định tại Thông tư số 01/2016, Thông tư số 04/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
Cụ thể, các trường hợp tuyển sinh sai quy định như con ông Phạm Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Chung, huyện Mường Lát; con ông Lò Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Mường Lát; con ông Hà Văn Tế, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát...
Dư luận cho rằng để xảy ra tình trạng con lãnh đạo "đi lạc" vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện là trách nhiệm thuộc về Lãnh đạo UBND huyện Mường Lát và Chủ tịch UBND huyện là người phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
Kết quả xử lý thế nào, cơ quan chức năng của Thanh Hóa sẽ có kết luận trong thời gian tới. Thế nhưng, dư luận vẫn mong đợi tỉnh Thanh Hóa cần mạnh tay và xử lý nghiêm những cán bộ đã chủ ý đưa con mình “đi lạc” vào trường dân tộc nội trú để trục lợi.
Trước đó, tình trạng con lãnh đạo “đi lạc” vào trường dân tộc nội trú cũng đã xảy ra ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, năm học 2022 – 2023, trong số 43/60 học sinh được tuyển sinh vào lớp 6 trường dân tộc nội trú không đúng tượng, có nhiều em là con của cán bộ, lãnh đạo huyện này. Cụ thể, con của ông Lộc Văn Hào, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện; Lò Đức Liêm, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo; Hà Văn Tụy, Chủ tịch UBND thị trấn Hồi Xuân; bà Cao Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo huyện Quan Hóa vào cuộc. Huyện Quan Hóa đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Trưởng phòng GD&ĐT; Phó Trưởng phòng GD&ĐT; Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú và THCS Quan Hóa; viên chức phòng GD&ĐT bị kỷ luật khiển trách. Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa kỷ luật với hình thức khiển trách.
Trước đó, nhiều lãnh đạo, cán bộ tại huyện Quan Hóa cũng đã bị kỷ luật vì tuyển sinh trái quy định vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Quan Hóa. (Ảnh: Quốc Huy) |
Mới đây, Báo Công Thương lại tiếp tục nhận được đơn tố cáo của phụ huynh học sinh và người dân ở huyện Quan Hóa về nhiều trường hợp con của cán bộ, lãnh đạo huyện không đúng đối tượng vẫn được tuyển sinh vào lớp 6 trường dân tộc nội trú nhưng không được xử lý.
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, có 1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, trong đó có 139 cán bộ, 432 công chức, 767 viên chức. Câu chuyện cán bộ, lãnh đạo lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi không chỉ diễn ra ở tỉnh Thanh Hóa, mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều này ảnh làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng cần phải được xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Nên nhớ rằng, Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng này. Học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được miễn học phí và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Trở lại câu chuyện con lãnh đạo “đi lạc” vào trường dân tộc nội trú xảy ra ở huyện Quan Hóa và Mường Lát cho thấy, những cán bộ này đã bất chấp quy định trong triển khai chính sách của Nhà nước để thực mục đích trục lợi của Nhà nước là điều khó có thể chấp nhận được.
Dư luận cho rằng, đa phần những cán bộ, lãnh đạo có con "đi lạc" vào trường dân tộc nội trú là những Đảng viên nhưng thiếu gương mẫu, bất chấp các quy định để đạt được mục đích cá nhân thì không xứng đáng ngồi ở vị trí lãnh đạo và cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho những cán bộ khác.
Dư luận cũng mong chờ sự quyết liệt, mạnh tay hơn nữa của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa trong việc xử lý cán bộ, lãnh đạo cố tình để con mình “đi lạc” vào trường dân tộc nội trú nhằm trục lợi chính sách của Nhà nước. Có vậy, tình trạng con lãnh đạo "đi lạc" vào trường dân tộc nội trú mới không tái diễn.