Tháng 4, sản xuất công nghiệp của Tây Ninh tăng 8,56%
Theo số liệu từ Sở Công Thương Tây Ninh, tháng 4/2023 sản xuất công nghiệp của tỉnh đã bắt đầu khởi sắc. Các phân ngành kinh tế đều tăng so với tháng trước: Công nghiệp khai khoáng tăng 9,12%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,15%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,17%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,22%.
Đa phần các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với tháng trước như: Giày các loại tăng +2,34%, quần áo các loại tăng 2,53%, vỏ, ruột xe các loại tăng 3,82%, gạch các loại tăng 1,40%, điện thương phẩm tăng 7,76%, nước máy sản xuất tăng 6,41%.
Tháng 4, sản xuất công nghiệp của tỉnh Tây Ninh tăng 8,56% |
Nhìn chung, luỹ kế 4 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,01% so với cùng kỳ năm 2022, các phân ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ như: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,10%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,97%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp giảm so cùng kỳ như: Khai khoáng giảm 39,71%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,05%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Đường các loại tăng 31,12%, Clanke Poolan tăng 24,72%, điện sản xuất tăng 2,50%, nước máy sản xuất tăng 2,71%, dịch vụ thu gom rác thải không độc hại không thể tái chế tăng 17,83%.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ so tháng trước và tăng so với tháng cùng kỳ. Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ do tình hình các ngành công nghiệp chủ yếu như khai khoáng tăng mạnh so với tháng trước.
Góp sức vào kết quả trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan, ngành Công Thương Tây Ninh cũng thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, chủ động nắm tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp để đảm bảo ổn định nguồn cung đối với mặt hàng xăng dầu và hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh, giúp doanh nghiệp ổn định và dần hồi phục sản xuất.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong tháng 4, nhằm tiếp tục giữ mức tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong tháng 5, Sở Công Thương Tây Ninh tiếp tục giám sát, phối hợp với Công ty Điện lực Tây Ninh trong việc cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính về việc miễn giảm thuế đối với các trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ đầu tư, trồng nông sản tại các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia ngắn hạn, mang tính thời vụ, chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 khi Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động theo chỉ đạo UBND tỉnh.
Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.