Tháng 1/2016: Điểm sáng thị trường trong nước
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định |
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm 2016 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,7%.
Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - phân tích: Sản xuất công nghiệp tháng 1 duy trì ổn định và có tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng 17,5% của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nguyên nhân do ngành khai khoáng giảm 4,2%, nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện đã chững lại so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ 2015 (lần lượt giảm 1,2% và 2%). Đây là điều bất ngờ bởi trong suốt một thời gian dài, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính nói riêng và nhóm ngành công nghiệp chế biến nói chung luôn duy trì tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Các đơn vị ngành Công Thương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền. |
Cũng trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 2,8%. Nguyên nhân do XK của nhóm điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện điện tử có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Việc sản xuất và XK nhóm ngành công nghiệp chế biến suy giảm cần phải khắc phục nhanh chóng bởi đây là nhóm ngành hàng chủ lực của nước ta. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2016, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phải xây dựng giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, nỗ lực hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý theo hướng thực hiện tốt cam kết quốc tế về hội nhập cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đủ hàng hóa phục vụ Tết
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Tháng 1, thị trường trong nước tiếp tục là “ điểm sáng”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 297,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong khi CPI tăng 0,8% (thấp nhất trong 5 năm gần đây), các con số này cho thấy hàng hóa dồi dào, sức mua tốt, ổn định.
Nhằm đáp ứng đủ hàng hóa dịp Tết Bính Thân, tháng 1/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 18 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Bính Thân 2016. Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt giải pháp chỉ đạo điều hành. Bên cạnh việc tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều địa phương đã và đang liên tiếp tổ chức các sự kiện liên kết cung – cầu hàng hóa.
Ông Võ Văn Quyền khẳng định: Với lượng hàng ổn định, dồi dào, hệ thống phân phối trên toàn quốc sẽ thực hiện tốt Chỉ thị 18 của Bộ trưởng, đảm bảo không có biến động lớn về giá.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may: Nâng cao năng lực sản xuất Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang sản xuất cho đơn hàng tháng 1 và 2. Tuy nhiên, đến tháng 3, số lượng đơn đặt hàng có dấu hiệu đi xuống. Việc suy giảm hợp đồng chủ yếu trong lĩnh vực sợi và dệt. Nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc giảm sức mua. Trước thực tế này, Tập đoàn đang và hỗ trợ DN xúc tiến sang các thị trường mới để đảm bảo kim ngạch XK. Bên cạnh đó, trong năm 2016, Tập đoàn đẩy mạnh các dự án đầu tư: Dự án may ở Kiên Giang, Bạc Liêu; dự án dệt ở Quế Sơn (Quảng Nam)… nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới cho toàn ngành, chuẩn bị đón đầu Hiệp định TPP. Ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Bám sát tiến độ dự án đầu tư Năm 2016, tình hình sản xuất điện sẽ khó khăn do nước tại các hồ thủy điện thiếu. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã huy động điện chạy dầu. Tháng 1/2016, lượng điện chạy dầu đã bằng 20% kế hoạch của cả năm. Để đảm bảo lượng điện phục vụ nhu cầu sử dụng cho năm 2016 và thời gian tới, Tập đoàn đang đẩy mạnh thực hiện các dự án (Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng, Nhiệt điện Mông Dương 1), góp phần cung ứng điện tốt cho miền Nam. Với những dự án khác, Tập đoàn bám sát tiến độ, đặc biệt là dự án vận hành trong năm 2016. Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Đảm bảo nguồn hàng Tết TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình bình ổn có gắn kết với tỉnh, thành khu vực Đông, Tây Nam bộ. Nhờ đó, năm nay, nguồn hàng bình ổn rất dồi dào, giá cả ổn định, chiếm tới 30-40% thị trường, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu. Hiện các siêu thị trên địa bàn đã luân phiên thực hiện khuyến mãi từ 5-49%, khiến sức mua tăng 30- 40% so với ngày thường. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức chương trình đến với người dân vùng sâu, vùng xa, hay công nhân khu công nghiệp, chế xuất với hơn 490 chuyến hàng lưu động. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong tháng 1/2016, Sở đã công bố trên 300 điểm bán hàng đạt tiêu chuẩn VietGap. |