Thâm hụt cán cân Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc không đáng lo ngại
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh - xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của DN Việt Nam đối với thị trường Hàn Quốc khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực?
Doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam nói chung khá quan tâm đến thị trường Hàn Quốc, bởi đây là thị trường tiềm năng. Bằng chứng, trong Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc, DN Việt Nam tận dụng tỷ lệ áp dụng cho các đơn hàng xuất khẩu lên đến 85%, cao nhất trong tất cả các hiệp định thương mại tự do.
Hiệp định VKFTA là sự tiếp nối và mở rộng hơn, Hàn Quốc ưu tiên cho phía Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực, chế biến nông - lâm - thuỷ sản, đặc biệt là thủy sản. VKFTA có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, và ngay năm 2016 các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hiệp định này.
Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi khiến thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng cao, thưa ông?
Hàn Quốc đang có những dự án rất lớn ở Việt Nam như Samsung, LG… và một loạt các dự án khác trải dài trên cả nước. Các DN Hàn Quốc thay vì nhập khẩu linh kiện, trang thiết bị từ phía Trung Quốc thì họ nhập khẩu ngay từ đất nước họ để tận dụng ưu đãi của hiệp định này. Qua đó, chúng ta có thể thấy DN Hàn Quốc đang có kế hoạch chọn Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ khi đưa hàng hóa ra nước ngoài. Đây là tín hiệu vui và không phải quá quan tâm lo lắng. Vấn đề là các DN Việt Nam đã tận dụng ưu đãi của hiệp định này như thế nào.
Có thể thấy, hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc khá nhiều trong cơ cấu xuất khẩu chung của Việt Nam, như các mặt hàng gia công, hàng nông - lâm - thủy sản… Nhưng DN Việt Nam không có khả năng tiếp cận ngay chuỗi phân phối của Hàn Quốc. Các hàng nông - lâm - thủy sản thì vấp vào giá cả, thuế, và quan trọng hơn là Hiệp định SPS về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và kiểm dịch động thực vật. Đây là rào cản mà hàng Việt Nam không dễ vượt qua, nhất là theo cách sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay.
Theo ông, làm thế nào để chúng ta tận dụng nhanh nhất những lợi điểm từ Hiệp định VKFTA?
Ở khía cạnh cơ quan quản lý, tôi nghĩ, cần có nghiên cứu sâu và những khuyến cáo cho DN Việt Nam. Tiếp cận những mặt hàng nào, thị hiếu người tiêu dùng Hàn Quốc ra sao, quy mô nhu cầu đến đâu, rồi vấn đề lộ trình thuế. Ngoài ra cũng cần có sự chủ động từ phía DN, kết nối với các đơn vị nhập khẩu Hàn Quốc, họ sẽ lo vấn đề đầu ra, đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa để có thể vượt qua được những rào cản về ATVSTP.
Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh có thể giúp DN tiếp cận và nắm bắt một số vấn đề liên quan về tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với Bộ Công Thương triển khai những cuộc hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Nhằm giải đáp những thắc mắc của DN trong việc đưa hàng hóa vào thị trường này. Ngoài ra, còn có các hoạt động xúc tiến giúp DN chuẩn bị kỹ từ Việt Nam để có sự kết nối cụ thể với các đơn vị nhập khẩu Hàn Quốc.
Xin cảm ơn ông!