Thứ bảy 28/12/2024 00:33

Thái Nguyên: Những người “giữ lửa” nghề mây tre đan truyền thống Thù Lâm

Trải qua bao thăng trầm, nghề mây tre đan ở làng Thù Lâm (Thái Nguyên) vẫn luôn còn đó những người yêu nghề, giữ nghề và đam mê với nghề.

Thù Lâm là một ngôi làng thuộc phường Tiên Phong (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), nơi đây có nghề mây tre đan truyền thống, sản xuất ra những vật dụng gần gũi như rổ, rá, giần, sàng,...

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm (phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên)

Thủy chung với nghề đan lát truyền thống

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề mây tre đan, anh Tạ Văn Thành (53 tuổi, làng Thù Lâm) vẫn luôn cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của nghề.

Anh Thành hồi tưởng, từ khi lên 10 tuổi, anh đã được tiếp xúc với nghề, hàng ngày giúp đỡ bố mẹ những công việc nhỏ như phơi tre, xếp nan. Theo thời gian, bằng sự quan sát, không ngừng học hỏi, anh đã đan lát ra được các loại rổ, rá, giần, sàng, nong, nia, thúng, mủng. Nghề mây tre đan đã gắn bó với anh Thành từ đó, để giờ đây, nghề trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.

Nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc khi được gắn bó với nghề

Với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi, anh Thành hào hứng chia sẻ về những công đoạn để làm ra một sản phẩm mây tre đan hoàn chỉnh. Để tạo ra một chiếc mẹt hay rổ, rá, nong, nia vừa có tính ứng dụng cao cũng như tính thẩm mỹ cao đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, kiên nhẫn.

Nguyên liệu được chọn phải là loại tre tốt nhất, là loại tre không non, không già, mọc thẳng, có độ cứng cao. Tre, nứa chặt ở rừng về được ngâm nước ở các khe suối một thời gian cho lên màu, chống mối mọt, sau đó vớt lên để phơi khô khoảng 20 ngày rồi cưa, chẻ, vót thành từng sợi nan để đan.

Nan tre được phơi nắng trước khi tiến hành công đoạn đan lát

Gần nửa thế kỷ gắn bó với mây, tre, anh Thành vẫn luôn vẹn nguyên niềm say mê với nghề. Tuy nhiên, tình yêu nghề càng son sắt, thủy chung bao nhiêu thì nỗi lo nghề truyền thống cha ông để lại bị mai một cũng lớn bấy nhiêu. “Các bạn trẻ bây giờ lựa chọn làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp vì làm việc ở đó đem lại thu nhập cao hơn. Nghề đan mây tre vì thế cũng thiếu hụt đi thế hệ kế cận”, anh Thành tâm sự.

Bà Hoàng Thị Bình (71 tuổi, làng Thù Lâm) kể rằng bà không biết nghề đan lát mây tre truyền thống của làng Thù Lâm có từ bao giờ. Bà chỉ biết từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy ông, bà, bố, mẹ của mình tự đan lát những vật dụng dùng cho sinh hoạt gia đình thường ngày. Nghề đan lát đến với bà cũng tự nhiên như thế, khi bà chỉ nhìn rồi bắt chước làm theo. Dần dần, bà Bình đã biết tự đan những chiếc rổ, rá đơn giản rồi đến những vật dụng phức tạp hơn sau này.

Để tạo ra một sản phẩm vừa có tính ứng dụng cao cũng như tính thẩm mỹ cao đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, kiên nhẫn

Cũng giống như anh Thành, bà Bình luôn đau đáu về tương lai của nghề mây tre đan truyền thống, lo lắng nghề sẽ bị mai một theo thời gian.

Bà Bình chia sẻ: “Giờ đây, các sản phẩm đan lát thủ công không còn được ưa chuộng như trước, không có nhiều người trẻ gắn bó với nghề. Ước mong lớn nhất của tôi là không muốn nghề mây tre đan truyền thống của làng Thù Lâm bị mai một theo thời gian. Vì vậy, hàng ngày, tôi vẫn miệt mài với công việc đan lát và dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền nghề cho con cháu và bất cứ ai có nguyện vọng học nghề”.

Không để làng nghề truyền thống bị mai một

Gặp ông Nghiêm Văn Bốn (60 tuổi, làng Thù Lâm) trong một không gian ngập tràn mây và tre mới thấy rõ được tâm huyết với nghề truyền thống của người đàn ông đầu đã điểm bạc, da mặt đã hằn lên những nếp nhăn của thời gian.

Ông Nghiêm Văn Bốn vui vẻ cười nói, tin rằng nghề mây tre đan sẽ được gìn giữ và phát huy

Đưa đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận vót từng thanh nan, ông Bốn cho biết, trước đây khi chưa có thiết bị hỗ trợ, quá trình thực hiện các sản phẩm mây tre đan mất nhiều thời gian và khó khăn hơn nhiều. Trong quá trình sản xuất, ông Bốn luôn chú trọng đặt chất lượng lên hàng đầu bởi theo ông, đó là điều kiện tiên quyết để nâng tầm một sản phẩm.

Đối với ông Nghiêm Văn Bốn, niềm vui tuổi già không chỉ là con cháu sum vầy, gia đình hạnh phúc như bao người, mà còn là những khát khao, mong muốn gìn giữ và phát triển nghề mây tre đan truyền thống. Ông Bốn luôn quan niệm: “Mỗi người làm nghề mây, tre đan phải luôn luôn sáng tạo, học hỏi không ngừng nghỉ để mở rộng và phát triển nghề hơn nữa”.

Gặp những người như ông Nghiêm Văn Bốn, bà Hoàng Thị Bình, anh Tạ Văn Thành ở làng Thù Lâm mới thấy rõ được tình yêu trọn vẹn, thủy chung với nghề mây tre đan. Trải qua bao thăng trầm, những người nông dân hiền lành, chất phác vẫn luôn “giữ lửa” và “truyền lửa” để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghề mây tre đan truyền thống.

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống mây tre đan góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống Thù Lâm. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng Phòng Kinh tế thành phố Phổ Yên, UBND phường Tiên Phong và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp mỹ nghệ Hoa Sơn tổ chức lớp truyền nghề mây tre đan do nghệ nhân cấp tỉnh trực tiếp giảng dạy cho các học viên thuộc làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm.

Trong thời gian 22 ngày, các học viên đã được các nghệ nhân cấp tỉnh trực tiếp giảng dạy, truyền đạt lý thuyết cơ bản về sản xuất sản phẩm từ mây tre, hướng dẫn thực hành các công đoạn gia công một số sản phẩm mây tre đan. Trong quá trình đào tạo, học viên được hỗ trợ dụng cụ, nguyên liệu thực hành và có kiểm tra, đánh giá tay nghề.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Tâm - Chủ tịch UBND phường Tiên Phong cho biết, UBND phường Tiên Phong sẽ đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân gìn giữ, phát huy nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm. “Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề là rất quan trọng để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong cho biết.

Việt Bắc
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục

Sóc Trăng: Phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch

Thanh Hóa: Nhiều kết quả nổi bật về thông tin, truyền thông

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cấm lợi dụng tinh giản bộ máy để bố trí người thân

Đồng Nai: Ông Võ Văn Phi làm Bí thư huyện Long Thành

Sở Công Thương Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết Đảng

Thái Bình: Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ

Ông Trần Anh Chung được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa

Khai mạc liên hoan ẩm thực Quảng Ninh năm 2024 - Điểm đến hội tụ tinh hoa ẩm thực

Thông tin về việc sắp xếp bộ máy hành chính mới tại tỉnh Quảng Bình

Thành phố Hải Phòng công nhận Khu du lịch Đồ Sơn là Khu du lịch cấp tỉnh

Hà Nội quan tâm ứng phó sự cố trong lĩnh vực hoá chất

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin nghỉ hưu trước tuổi

Nam Định quy định mức chi cho công tác khuyến công

Quảng Nam: Tinh giản 107 biên chế trong đợt I năm 2025

Cần Thơ: Chủ động phòng, chống hạn hán xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024

Nỗ lực giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang bàn giao trước Tết Nguyên đán

Lâm Bình (Tuyên Quang): Chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn

Huyện Yên Định (Thanh Hóa) đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024