Thái Bình: Ứng dụng chuyển đổi số quảng bá sản phẩm OCOP
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng vào chuyển đổi số.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 194 sản phẩm OCOP, trong đó, có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 146 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của địa phương, có thương hiệu nổi bật trên thị trường như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, trứng vịt biển Đông Xuyên, cây phát lộc Minh Tân… hay các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và thực phẩm chế biến được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.
Ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình - cho biết: Việc áp dụng chuyển đổi số đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử đã đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20-30%, trong đó, doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm khoảng 30%.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình đã được quảng bá hiệu quả trên sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Bình tại địa chỉ ecthaibinh.com. Ảnh chụp màn hình |
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chương trình hành động và kế hoạch để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tập huấn nâng cao cho doanh nghiệp về cách thức quảng bá sản phẩm, khai thác sàn thương mại điện tử, đào tạo tư vấn các biện pháp hữu hiệu để giao dịch trên sàn…
Đơn cử, ngày 10/10, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và TikTok Shop Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) năm 2024.
Tham gia tập huấn, gần 100 học viên là lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh được đại diện TikTok Shop Việt Nam truyền đạt, giới thiệu các nội dung: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp và cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Đồng thời, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản lượng mùa vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam; đào tạo kỹ năng và hướng dẫn trực tiếp cho các doanh nghiệp, các HTX về cách thức bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên nền tảng số... Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX thực hành các thao tác bán hàng trực tiếp, xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm… giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Thông qua lớp tập huấn nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh theo hướng tuần hoàn, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững; đồng thời giúp cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh, tham gia sâu vào hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội.
Hay trước đó, Sở Công Thương tỉnh cũng đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương đã tổ chức khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn về thương mại điện tử và chuyển đổi số cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình.
Khóa tập huấn đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nghiêm túc, nhiệt tình của các học viên thông qua việc góp ý, trao đổi thông tin và kinh nghiệm để góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn của tỉnh.
Thông qua khóa tập huấn giúp nâng cao nhận thức, bổ sung các kiến thức mới cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh về thương mại điện tử, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực thương mại điện tử. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Sở Công Thương Thái Bình đã tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như cán bộ quản lý. Ảnh: Thu Trang |
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình còn phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Alibaba... để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng đặc trưng của tỉnh.
Theo bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, thời gian qua, Sở Công Thương Thái Bình đã xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh, đó là http://ecthaibinh.com, hỗ trợ 3 đơn vị xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến, khoảng 300 đơn vị với khoảng 2000 sản phẩm gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục duy trì sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Bình (ecthaibinh.com), cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP lên sàn. Ngoài ra, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.