Thái Bình: Tập huấn Bộ chỉ số DDCI năm 2023 cho hơn 3.000 doanh nghiệp
Cùng với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thực hiện khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được xem là thước đo đánh giá hiệu quả năng lực điều hành của các đơn vị, cơ quan nhà nước. Chính chỉ số DDCI sẽ là thước đo đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy, để doanh nghiệp hiểu đúng vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Bộ chỉ số DDCI, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã tiến hành khảo sát và phổ biến mục đích, yêu cầu, những nội dung thực hiện đo lường Bộ chỉ số DDCI trên nền tảng công nghệ số cho hàng nghìn doanh nghiệp. Thông qua các khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình sẽ nắm chắc nội dung Bộ chỉ số DDCI và kỹ năng, thao tác sử dụng phần mềm để chấm điểm phiếu khảo sát điện tử trên thiết bị kết nối internet.
Khi doanh nghiệp thực hiện tốt DDCI sẽ là "đòn bẩy" quan trọng cải thiện xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Thái Bình. Trong năm 2022, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Bình đạt 65,78 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2021. Về chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022, Thái Bình đạt được điểm số 84,12%, xếp hạng thứ 43 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy một sự tiến bộ tăng bảy bậc so với năm trước, mặc dù có một sự giảm điểm 0,87% so với năm 2021. Chỉ số Hài lòng với Dịch vụ hành chính công (SIPAS) tại Thái Bình, đo lường sự hài lòng của người dân với các dịch vụ mà chính quyền cung cấp, đạt 83,13% trong năm 2022, tăng 27 bậc so với năm 2021, đã đưa Thái Bình lên vị trí thứ 13 trong số 63 tỉnh, thành phố.
UBND tỉnh Thái Bình nghe báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về tình hình thực hiện khảo sát Bộ chỉ số DDIC - Ảnh Văn Đạt |
Để tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng đánh giá về chỉ số PCI thì việc thực hiện chỉ số DDIC là việc làm cần thiết. Tại các hội nghị được triển khai trên tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã quán triệt một số nhiệm vụ theo yêu cầu của Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đo lường Bộ chỉ số DDCI năm 2023. Đồng thời nhấn mạnh, DDCI là công cụ quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh nắm bắt thực trạng công tác điều hành kinh tế của các sở, ngành, địa phương, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh những mặt còn hạn chế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, giúp hoạt động thu hút đầu tư khởi sắc và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Để công tác khảo sát Bộ chỉ số DDCI đạt kết quả cao, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, tiếp thu kỹ năng thực hành khảo sát DDCI trên nền tảng công nghệ số mà đơn vị tư vấn phổ biến, tập huấn.
Theo đó, thực hiện Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thái Bình năm 2023, doanh nghiệp sẽ đánh giá 62 chỉ tiêu của 9 chỉ số thành phần đối với cấp sở, ban, ngành gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo; vai trò của người đứng đầu; chuyển đổi số. Riêng đối với cấp huyện, thành phố, các doanh nghiệp đánh giá 77 chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần, trong đó có 9 chỉ số như cấp sở, ban, ngành và thêm chỉ số tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh.
Việc tổ chức khảo sát trên nền tảng công nghệ số, UBND tỉnh kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đo lường Bộ chỉ số DDCI, đánh giá sát thực hơn chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Trên cơ sở nhận diện những ưu điểm và hạn chế trong công tác điều hành kinh tế, UBND tỉnh sẽ có giải pháp chỉ đạo nhân rộng ưu điểm, khắc phục những tồn tại nhằm không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và giúp người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Tại các hội nghị được tổ chức tại huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Hưng Hà, Tiền Hải, thành phố Thái Bình…các doanh nghiệp đã được đơn vị tư vấn phổ biến những kiến thức cơ bản về hoạt động đo lường Bộ chỉ số DDCI trên nền tảng công nghệ số, những ưu điểm và thuận lợi khi doanh nghiệp thực hiện khảo sát trên các thiết bị có kết nối internet. Đặc biệt, các doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể các bước quy trình, thao tác chấm điểm các câu hỏi trong phiếu khảo sát điện tử trên phần mềm điều tra DDCI được tích hợp với Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ "www.ddcithaibinh.vn".
Ông Phạm Cao Quân - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà phát biểu tại hội nghị triển khai khảo sát DDIC tại Hưng Hà |
Đại diện một số địa phương khẳng định, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nỗ lực tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia khảo sát, công tâm, khách quan, có trách nhiệm trong việc chấm điểm Bộ chỉ số DDCI giúp UBND kịp thời nắm bắt những bất cập trong công tác điều hành kinh tế của địa phương để có sự điều chỉnh, chỉ đạo hiệu quả góp phần tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sau khi thực hiện khảo sát trên địa bàn 8 huyện, thành phố, Thường trực UBND tỉnh Thái Bình đã nghe Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tiến độ triển khai khảo sát. Theo tổng hợp của Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, khí mỏ, môi trường, giao thông, xây dựng, thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nước sạch.
Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về triển khai khảo sát Bộ chỉ số DDCI, đến nay Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng với đơn vị tư vấn đã tiếp nhận thông tin, nhập dữ liệu doanh nghiệp phục vụ việc khảo sát trên nền tảng công nghệ số; có kế hoạch tập huấn cho các doanh nghiệp tham gia khảo sát tại các huyện, thành phố. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh về khảo sát DDCI đối với 8 Sở, ngành không có tiếp xúc thủ tục hành chính với doanh nghiệp và không đủ số lượng theo quy định để tổ chức khảo sát.
Đơn vị tư vấn phổ biến kiến thức về thực hiện đo lường Bộ chỉ số DDCI năm 2023 |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã có ý kiến làm rõ những khó khăn của doanh nghiệp, vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đồng hành cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai hiệu quả Bộ chỉ số DDCI năm 2023.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Bộ chỉ số DDIC sẽ là công cụ giúp lãnh đạo tỉnh nhận xét, đánh giá, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; là cơ sở, căn cứ đánh giá, phân loại cán bộ; giúp hỗ trợ nâng cao thứ hạng chỉ số PCI; đồng thời nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các sở, ngành, huyện, thành phố.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cũng tiếp tục khẳng định sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Giao văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung sớm giải quyết, tháo gỡ. Mong muốn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh cần chủ động, nỗ lực vươn lên, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế thành công.