Thả 10.000 con giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại Vịnh Nha Trang
Sáng 5/6, tại vực biển Đông Tằm (ở phía Đông Nam thuộc đảo Hòn Tằm, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) đã diễn ra Lễ hội thả sinh vật biển tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các sự kiện của Festival Biển Nha Trang 2023 và hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, do Công ty Yến sào Khánh Hoà tổ chức.
Theo đó, 10.000 con giống các loại (gồm 9.000 con giống cá chim, 700 con giống cá bớp, 300 giống cá mú) đã được thả xuống khu vực biển Đông Tằm nhằm bổ sung và tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh trưởng, sinh sản và phát triển cận bằng môi trường hệ sinh thái đang bị ảnh hưởng.
Hoạt động này còn mang ý nghĩa tích cực về mặt kinh tế - xã hội, điều chỉnh cơ cấu khai thác phù hợp với khả năng tái tạo của trữ lượng nguồn lợi thủy sản; giảm thiểu các tác động bất lợi từ các hoạt động kinh tế; nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thả các cá giống xuống vịnh Nha Trang. |
Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507km2 với 19 hòn đảo lớn, nhỏ. Khu vực vịnh có khí hậu ôn hòa và quy tụ hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới như hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm có biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ.
Theo lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa, những năm qua, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, ô nhiễm môi trường cộng thêm việc khai thác, đánh bắt thủy sản không khoa học đã làm đa dạng sinh học biển trên vùng biển Khánh Hòa bị suy giảm. Nhiều khu vực bãi rạn san hô tự nhiên, nơi sinh sản, cư trú của các loài thủy hải sản bị hủy hoại nghiêm trọng, khiến một số loài thủy sản khan hiếm dần.
Do đó, việc thả bổ sung các loài thủy sản vào vùng biển Khánh Hòa là một việc làm có ý nghĩa của công tác khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng như góp phần cân bằng hệ sinh thái và góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, góp phần truyền đến người thân, người dân không khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai thác thủy sản bằng các công cụ đánh bắt bị cấm, gây ô nhiễm nguồn nước, gây cạn kiện nguồn lợi thủy sản.