Đẩy mạnh cho vay
Để đẩy mạnh cho vay, từ nay đến ngày 28/2/2022, Nam A Bank giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trước đó, nhằm “chia lửa” cùng khách hàng sớm ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, nhà băng này cũng đã giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm đối với khoản vay hiện hữu của cá nhân trong vòng 3 tháng.
Nam A Bank giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân |
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, không chỉ khách hàng doanh nghiệp, mà với khách hàng cá nhân, từ đầu năm 2021 đến nay, OCB đã triển khai 16 chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi giảm 2 - 3%, với gần 4.000 khách hàng tham gia.
Để đáp ứng cầu vốn mua nhà của cá nhân, OCB vừa ra mắt sản phẩm vay “Dream Home”, với lãi suất từ 6,99%/năm, thời gian vay 30 năm. Khách hàng được linh hoạt lựa chọn hình thức thanh toán lãi, gốc định kỳ... Ngoài các gói ưu đãi cho nhóm khách hàng vay mới, theo ông Tùng, OCB còn đồng hành cùng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong việc xét giảm lãi, phí, tùy tình hình từng khách hàng.
Với khách hàng cá nhân, tính đến hết ngày 31/10/2021, dư nợ gốc cơ cấu lũy kế tại ABBank là 212,26 tỷ đồng, dư nợ lãi là 86,94 tỷ đồng. Ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho hay, Ngân hàng sẽ cân đối nguồn ngân sách để tiếp tục hỗ trợ cá nhân vượt qua giai đoạn khó khăn với ưu đãi phù hợp. Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2021, ABBank dành 3.500 tỷ đồng cho cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động sản xuất - kinh doanh, vay mua nhà, mua ô tô, xây sửa nhà cửa, vay tiêu dùng..., với thời hạn tối thiểu 24 tháng, lãi suất từ 7,6%/năm cho 6 tháng đầu, 8,6%/năm 6 tháng tiếp theo hoặc mức 7,99%/năm trong 12 tháng đầu.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12% và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Trong 2 năm qua, cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện việc hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế.
Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm gần 25 tỷ USD trong 2 năm qua, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần hỗ trợ vốn. Đáng chú ý, kể từ khi Covid-19 xảy ra đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 - 2 điểm phần trăm và phát tín hiệu điều hành lãi suất theo hướng đi xuống. Hiện lãi suất huy động giảm 1,5 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay giảm 1,77 điểm phần trăm so với hồi đầu năm 2020.
Tín dụng tăng mạnh
Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong quý IV/2021 với mức tăng 1-6%, tùy từng nhà băng. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng mùa cao điểm.
Theo Bộ phận Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), việc nâng “room” tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Dựa trên hạn mức mới, SSI Research ước tính, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 khoảng 13%.
Quý IV hàng năm được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng về tín dụng và lợi nhuận. Năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã nâng từ 6% lên trên 12%. Giải ngân quý cuối năm có thể tương đương tổng 3 quý trước. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp cũng được nhận định là yếu tố thu hút khách hàng.
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài và mở cửa thị trường, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng để phục vụ khách hàng dịp Tết, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ...
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, so với trước dịch, thì cầu tín dụng vẫn thấp hơn. Có thể sau khi “ốm dậy”, sức khỏe của doanh nghiệp mới từng bước hồi phục, nên chưa thể sớm đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số lĩnh vực dịch vụ vẫn còn hạn chế. Còn với khách hàng cá nhân, tác động của Covid-19 khiến thu nhập bị ảnh hưởng, nên nhu cầu vốn tiêu dùng, mua sắm cũng khó bằng những năm trước.
“Tín dụng toàn nền kinh tế năm nay tăng khoảng 10-12%. Nhưng tín dụng đến cuối tháng 11/2021 đã tăng 10,1%. Như vậy, dư địa còn lại cho tăng trưởng tín dụng tháng cuối năm còn nhiều”, ông Minh nói.